Thừa Thiên Huế: Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm đặc trưng Áo dài Huế trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia Thừa Thiên Huế: Những món ăn mang giá trị ẩm thực tiêu biểu Việt Nam |
Theo đó, từ tháng 11/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với đại diện dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây cùng các đối tác.
Liên quan đến dự án Nhà máy điện khí LNG tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế thông tin, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD, công suất 4.800 MW.
Cảng Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nơi triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây |
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện khí, làm việc với cấp có thẩm quyền thực hiện thủ tục bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có xác định các dự án điện khí LNG tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023).
Tuy nhiên, theo quy hoạch, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây là vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai. Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2031-2035 (khi trữ lượng và tiến độ mỏ khí Kèn Bầu được xác định rõ). Do vậy, dự án chỉ ở giai đoạn nghiên cứu đầu tư dự án, chưa có cơ sở xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đề xuất dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khi đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định hiện hành.
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đánh giá là một dự án đặc thù, tiêu biểu của miền Trung, không những phát triển điện miền Trung mà còn mở đường xây dựng khung chính sách cho đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các công trình hạ tầng, năng lượng ở Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Dự kiến khi hoạt động hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.
Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó, ngoài dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mới 2 trạm biến áp (TBA) tổng công suất 500MVA (TBA Chân Mây - 250MVA, TBA Hương Thủy - 250MVA), nâng công suất TBA Phong Điền (lên 375MVA); công suất thủy điện nhỏ tăng thêm 9MW (Hồ Truồi - 6MW, Sông Bồ 1- 3); điện gió trên bờ tăng thêm 50MW; công suất điện mặt trời mái nhà tăng thêm 33MW; Nhà máy điện mặt trời Phong Hòa 40MW (triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản tự tiêu).
Tổng công suất các nguồn phát điện hiện có trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 610,3MW. Trong đó, có 13 nhà máy thủy điện tổng công suất 459,3MW, 2 nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà tổng công suất 130MW và 1 Nhà máy điện rác Phú Sơn công suất 12MW.