Thứ năm 14/11/2024 09:54

Áo dài Huế trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia

Nhắc đến Thừa Thiên Huế là nhắc đến chiếc áo dài thướt tha với vành nón bên dòng sông Hương thơ mộng. Áo dài Huế được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia.
Bước đột phá trong sản xuất tinh dầu thiên nhiên từ cây màng tang Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường Thừa Thiên Huế: Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm đặc trưng

Sơ lược lịch sử về áo dài

Theo TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế, từ năm 1744, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã quy định, áo ngũ thân trở thành loại thường phục chung của cư dân toàn xứ sở. Sang đầu thế kỷ XIX, trong những năm 1827-1837, sau khi thống nhất và ổn định tình hình đất nước, vua Minh Mạng đã đưa ra quy định bắt buộc tất cả người dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam đều phải sử dụng trang phục áo ngũ thân và xem đây là sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập với nền văn hiến lâu đời, có chế độ y quan (áo mũ) rực rỡ!.

Áo dài Huế trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia

Các đại biểu tham dự hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong cuộc sống đương đại". Ảnh: Phan Thanh Hải

So với các loại hình áo dài khác (cả áo dài nam và nữ), áo ngũ thân tay chẽn là loại trang phục giản tiện, gọn gàng vì nó là loại thường phục dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt địa vị, giai tầng xã hội. Tuy nhiên, áo dài ngũ thân lại mang trên mình những ý nghĩa rất sâu sắc. Trang phục áo dài ngũ thân đầy đủ bao gồm 4 bộ phận: khăn vấn, áo, quần và giày/guốc.

Đối với đàn ông Việt, áo ngũ thân có chiếc cổ tròn, cao từ 3-4cm, giữ cho người mặc luôn nhìn thẳng; áo có 5 thân, gồm hai thân trước, hai thân sau và một thân con bên trong, biểu tượng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc; 5 hạt cúc áo thì biểu tượng cho 5 phẩm chất cao quý làm người (ngũ thường): Nhân, Lễ, nghĩa, Trí, Tín (hoặc Dũng), cũng biểu trưng cho 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội (ngũ luân): Vua-tôi, thầy-trò, cha-con, chồng-vợ, và bạn bè. Chiếc quần trắng ống rộng giúp người mặc thoải mái. Đôi hài (thành thị) hoặc guốc gỗ (vùng nông thôn) được sử dụng cùng, nhưng từ đầu thế kỷ 20, tiếp thu ảnh hưởng của văn minh phương tây, trang phục áo ngũ thân đã kết hợp với giày tây, hay giày hạ hoặc các loại dép da...

Với nữ giới thì chiếc áo ngũ thân (cấu tạo cũng gần tượng tự chiếc áo nam) khiến cho họ trở nên đoan trang, kín đáo mà vẫn nền nã, nữ tính. Áo ngũ thân nữ có cổ áo thấp để khoe chiếc cổ cao 3 ngấn duyên dáng; phối cùng áo là khăn lươn vấn đầu một hoặc hai lớp, cùng quần trắng và hài hoặc guốc mộc, sau này thường kết hợp với các loại giày cao gót được thiết kế phù hợp.

Có thể nói, áo dài ngũ thân là loại trang phục độc đáo, riêng có của người Việt, vừa tiện dụng, phù hợp với môi trường sống, tầm vóc và tính cách của người Việt Nam lại vừa rất đẹp và không kém phần trang trọng, kín đáo.

Áo dài Huế được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia

Theo Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế, tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Huế Kinh đô Áo dài Việt”.

Áo dài Huế trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia
Chương trình Lễ hội Áo dài Huế 2024 với chủ đề Linh Phụng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa di sản lớn của đất nước, đây là cái nôi của áo dài ngũ thân, một loại trang phục từng được quy định là quốc phục của người Việt Nam trong hàng trăm năm dưới thời Nguyễn (1802-1945).

Việc “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở quan trọng để tiến hành các bước xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt”, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh và cho biết thêm, trong gần 4 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được giao nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam. Với quyết tâm và phương pháp triển khai một cách bài bản, đề án đã đạt được những thành công lớn, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa áo dài truyền thống trong đời sống đương đại không chỉ trong phạm vi của tỉnh.

Theo tìm hiểu, hiện nay các hiệu may đo áo dài Huế trải rộng khắp toàn tỉnh, tuy nhiên hiện các hiệu may đo nổi tiếng chủ yếu tập trung tại thành phố Huế như khu vực Gia Hội, Đại nội Huế, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.

Áo dài Huế trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Quang Trung, TP. Huế hào hứng với áo dài ngũ thân. Ảnh: Phan Thanh Hải

Theo các chủ tiệm may, hiện nhu cầu mặc áo dài được nhiều đối tượng ưa chuộng và đặt may, từ học sinh tiểu học, giáo viên đến cán bộ công nhân viên chức, từ người dân đến khách du lịch… Do vậy, thu nhập từ nghề may áo dài khá ổn định. Thậm chí, hiện nay may áo dài ở Huế còn phục vụ du khách ở xa thông qua “may đo trực tuyến”. Nhu cầu lớn nên nhiều cơ sở may đo hiện đang thiếu thợ may có tay nghề cao để phục vụ khách hàng. Bởi, các khâu kỹ thuật cắt, may, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Ngày nay, việc mặc áo dài đã phổ biến, gắn bó với đời thường và trong các dịp lễ, Tết của người Huế. Trong các kỳ Festival Huế, không thể không nhắc đến Lễ hội áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội.

Tin khác

Phiên bản di động