Thứ sáu 13/12/2024 19:29

Thừa Thiên Huế: Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm đặc trưng

Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thương hiệu cho các nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của địa phương.
Bước đột phá trong sản xuất tinh dầu thiên nhiên từ cây màng tang Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường Thừa Thiên Huế: Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 1 tỷ USD

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh từng bước triển khai khá đồng bộ các nội dung phục vụ phát triển nhãn hiệu cộng đồng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản địa phương.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm đặc trưng
Sản phẩm thanh trà Huế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Trong đó, đã hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản Huế, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 4 chỉ dẫn địa lý gồm: Tinh dầu tràm Huế, nón lá Huế, thanh trà Huế, hoàng mai Huế; 8 nhãn hiệu chứng nhận: Bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố Đô về khoa học - công nghệ, Hương xưa làng Cổ Phước Tích, Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn, Huế Kinh đô ẩm thực và 74 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực như mè xửng Huế, đúc đồng Huế, sen Huế, rau má Quảng Thọ, đệm bàng Phò Trạch...

Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng, đang làm thủ tục bảo hộ nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm mang thương hiệu "Huế" nổi bật như "Nhà rường Huế" và "Huế Kinh đô áo dài", "Du lịch chợ Đông Ba - Huế"... Với số nhãn hiệu được bảo hộ, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Thừa Thiên Huế đứng ở top 7 tỉnh, thành có số lượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được cấp văn bằng bảo hộ nhiều nhất cả nước.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số lượng nhãn hiệu cộng đồng được cấp chứng nhận cao gấp 2 lần so với trung bình chung của cả nước. Điều này chứng tỏ Thừa Thiên Huế đã tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện, góp phần phát triển nhãn hiệu cộng đồng để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, việc bảo hộ và khai thác các nhãn hiệu cộng đồng đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao được giá trị thương hiệu sản phẩm và dịch vụ, năng suất, chất lượng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, dịch vụ du lịch mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng. Trong khi việc phát triển, quản lý tài sản trí tuệ còn nhiều khó khăn.

“Một số sản phẩm đặc sản trên địa bàn tuy đã được xây dựng thương hiệu nhưng việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như: nón lá Huế, tôm chua Huế, hoa giấy Thanh Tiên, gốm Phước Tích, bún Ô Sa... Bên cạnh đó, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất đặc sản địa phương, hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý các nhãn hiệu cộng đồng chưa quan tâm, đầu tư trong việc phát triển thương hiệu đã xây dựng; chưa ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế Hồ Thắng cho biết thêm.

Tin khác

Phiên bản di động