Thứ hai 12/05/2025 23:51

Quảng Trị: Nâng giá trị thương hiệu cho đặc sản địa phương

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, Quảng Trị đã và đang xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản vật của địa phương.
Du lịch Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ di sản Xây thương hiệu ngân hàng bền vững từ Basel III Cuộc đua thương hiệu xe máy điện đang diễn ra thế nào?

Nhắc tới vùng đất nắng gió Quảng Trị mọi người thường nghĩ ngay tới cà phê Khe Sanh. Được đặt ngang, thậm chí đánh giá ngon hơn cà phê Arabica của Lâm Đồng, Sơn La, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều hoạt động để lan tỏa, phát triển thương hiệu cà phê này.

Theo đó, địa phương đã thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”.

Trong 3 năm từ 2022 - 2024, dự án triển khai các nội dung để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê gắn với đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất của sản phẩm cà phê được bảo hộ.

Với những nỗ lực đó, thương hiệu cà phê Khe Sanh đang trở nên quen thuộc và được nhận diện trên thị trường, là cái tên trong danh sách chọn lựa của người tiêu dùng yêu thích cà phê.

Tiêu Quảng Trị
Nông dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ tiếp tục mở rộng vùng trồng tiêu tạo sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý - Ảnh: V.T.H

Không chỉ với cà phê Khe Sanh, những sản vật khác như tiêu, chè vằng … cũng đã và đang được các cấp chính quyền Quảng Trị chuẩn hóa sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quảng bá mạnh mẽ nhằm xây dựng thương hiệu cho những sản vật này.

Trong đó, các Sở, ngành của tỉnh thúc đẩy phát triển đối với những sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Gần đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức hội thảo “Giá trị thương hiệu của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: Tiêu Quảng Trị, chè vằng Quảng Trị và cà phê Khe Sanh”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhìn nhận, các sản phẩm đặc sản của địa phương được xây dựng thương hiệu qua hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng vẫn tồn tại những bất cập.

Đó là quản lý, phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý vẫn còn nhiều bất cập; chuỗi giá trị sản phẩm chưa được tổ chức đồng bộ; việc kết nối thị trường, áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu còn hạn chế; liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân vẫn chưa thật sự hiệu quả. Chính những khó khăn này làm cho một số thương hiệu loay hoay tìm hướng phát triển sau khi đã được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị - Trần Ngọc Lân, để phát triển tốt hơn các giá trị thương hiệu đã được cấp bằng bảo hộ sở hưu trí tuệ, nhất là các sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển hệ sinh thái tài sản trí tuệ tại địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, tăng cường năng lực bảo vệ và khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả và bền vững.

Không chỉ có cà phê, Quảng Trị còn nổi danh với những sản phẩm đặc sản khác như tiêu, chè vằng ... Địa phương đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm này làm nền tảng xây dựng và phát triển thương hiệu.

Tin khác

Phiên bản di động