Thứ sáu 09/05/2025 20:21

Xây thương hiệu ngân hàng bền vững từ Basel III

Áp dụng Basel III giúp ngân hàng Việt nâng tầm quản trị, gia tăng niềm tin và khẳng định thương hiệu trên thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.
Những thương hiệu ngân hàng tốt nhất năm 2025 Ngân hàng nào tăng trưởng mạnh nhất về mức độ hài lòng? Ngân hàng đa dạng hoá hình thức, tái định vị thương hiệu

“Chìa khóa” chiến lược cho ngân hàng Việt

Trong dòng chảy hội nhập ngày càng sâu rộng, nơi tiêu chuẩn quốc tế đang trở thành chuẩn mực căn bản để định vị vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc Việt Nam từng bước tiếp cận và triển khai Basel III không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh mang tính chiến lược. Giữa bối cảnh thị trường tài chính liên tục biến động, yêu cầu về nội lực hệ thống ngân hàng ngày càng khắt khe hơn. Basel III, như lời ông Peter Verhoeven, thành viên Ban Lãnh đạo Anax Invest, là bước tiến tất yếu, nhằm giúp các ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực chống chịu rủi ro, tăng cường minh bạch, củng cố niềm tin thị trường và xây dựng thương hiệu tài chính đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Xây thương hiệu ngân hàng bền vững từ Basel III
Ông Peter Verhoeven, thành viên Ban Lãnh đạo Anax Invest, người có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered. Ảnh: Hoàng Giáp

Ông Peter Verhoeven không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng tài chính quốc tế. Với hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered và từng trải qua ít nhất 5 cuộc khủng hoảng ngân hàng trên thế giới, ông hiểu rõ đâu là điều kiện căn bản để một hệ thống tài chính quốc gia đứng vững.

Trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, ông nhấn mạnh: “Việc áp dụng Basel III không chỉ là yêu cầu tuân thủ, mà còn là chìa khóa chiến lược giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa phát triển vững mạnh”.

Từng có mặt tại Việt Nam trong giai đoạn các ngân hàng triển khai Basel II, ông Peter cho rằng, giờ đây, Basel III là bước đi hợp lý tiếp theo. Trong đó, yếu tố then chốt quyết định sự thành công nằm ở quyết tâm chính trị và sự nghiêm khắc từ phía cơ quan quản lý. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, sâu sát và kiên định hơn nữa, bởi nếu không có giám sát nghiêm, các ngân hàng khó có thể tự thân tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực khắt khe của Basel III.

Một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các dòng đầu tư dịch chuyển mạnh mẽ khỏi những thị trường truyền thống. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng với vai trò là huyết mạch tài chính cần nâng cao nội lực để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách chủ động. Và Basel III, với các yêu cầu nghiêm ngặt về quản trị rủi ro và năng lực vốn, chính là công cụ để nâng cấp toàn diện hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, triển khai Basel III không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nhiều ngân hàng trong nước vẫn đang phải nỗ lực để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có ba yếu tố nền tảng để tăng cường năng lực vốn và quản trị rủi ro: cam kết góp vốn từ cổ đông hiện hữu; thu hút dòng vốn chiến lược từ nhà đầu tư nước ngoài; và tăng cường kiểm soát nội bộ, đặc biệt là chất lượng danh mục tín dụng. Theo ông Peter, đây là ba “chân kiềng” quyết định sự thành bại trong quá trình chuyển đổi theo Basel III.

Không chỉ là vấn đề kỹ thuật, Basel III đặt ra yêu cầu căn bản về thay đổi tư duy quản trị và vận hành ngân hàng. Một trong những nội dung được xem là “nút thắt” trong triển khai Basel III tại Việt Nam hiện nay là trụ cột thứ ba: yêu cầu minh bạch hóa thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức tín dụng. Khi được hỏi về điều này, ông Peter thẳng thắn: “Tôi nghĩ tất cả quay về chất lượng hệ thống và đội ngũ. Nếu không có kiểm soát nội bộ tốt, sẽ không có minh bạch. Niềm tin không thể đến từ các chiến dịch truyền thông, mà phải bắt nguồn từ sự thật được kiểm chứng trong hệ thống dữ liệu và giám sát nội bộ”.

Cũng theo ông, kiểm soát nội bộ không chỉ là một chức năng hỗ trợ, mà cần được đặt ở vị trí trung tâm trong cấu trúc quản trị của ngân hàng. Bài học từ các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong lịch sử từ sự sụp đổ của hệ thống Savings & Loans tại Mỹ thập niên 1980 đến khủng hoảng ngân hàng toàn cầu 2007 - 2008 đều bắt nguồn từ sự thiếu giám sát và kiểm soát. “Tin tưởng là tốt, nhưng kiểm soát thì tốt hơn”, ông Peter nhấn mạnh.

20 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Thương hiệu ngân hàng không thể chỉ xây bằng truyền thông, mà bằng nội lực kiểm soát và minh bạch tài chính. Ảnh: Duy Minh

Về mặt kỹ thuật, nhiều ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm mô hình xếp hạng nội bộ (IRB), đây là một yêu cầu quan trọng trong khung Basel III. Tuy nhiên, theo ông Peter, thử thách lớn nhất không nằm ở công nghệ hay mô hình, mà ở dữ liệu nội bộ và khả năng phân tích của đội ngũ chuyên môn. “Không có dữ liệu, không có phân tích, không có khả năng xây dựng quy trình ICAAP (đánh giá đầy đủ vốn nội bộ), mọi nỗ lực sẽ chỉ là hình thức”, ông nói.

Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng dù có hệ thống tốt nhưng chưa thể phát huy hiệu quả do thiếu kỹ năng vận hành hoặc không biết cách khai thác dữ liệu. Theo ông Peter, CEO của các ngân hàng cần xác lập ưu tiên mới: mỗi sáng thứ Hai, báo cáo đầu tiên trên bàn làm việc phải là chất lượng danh mục tín dụng, vị thế vốn và hệ thống kiểm soát rủi ro,… những yếu tố cốt lõi quyết định sự an toàn vận hành.

Khẳng định thương hiệu trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới

Một trong những băn khoăn lớn hiện nay là liệu việc triển khai Basel III có tạo ra độ trễ tín dụng trong ngắn hạn? Ông Peter không phủ nhận điều này, song ông cho rằng đây là cái giá cần thiết để đổi lấy sự bền vững. “Chúng ta không thể yêu cầu ngân hàng tăng trưởng tín dụng liên tục, trong khi yêu cầu họ cùng lúc nâng cao hệ số an toàn vốn và kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn. Điều cần thiết là sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước. Nếu không có hành lang pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật phù hợp, quá trình chuyển đổi sẽ bị đình trệ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo ông, Basel III không phải là một bản cam kết có thể thực hiện “qua đêm”, mà là một lộ trình chiến lược cần đồng bộ từ chính sách, kỹ thuật đến con người. Quan trọng hơn, nếu được triển khai đúng cách, Basel III sẽ là chất xúc tác để tạo dựng một hệ sinh thái ngân hàng lành mạnh, nơi rủi ro được đo lường và kiểm soát chặt chẽ, nơi niềm tin thị trường không phải đến từ lời hứa, mà từ năng lực nội tại thực sự.

Không chỉ dừng lại ở việc tăng vốn hay cải thiện tỷ lệ CAR, Basel III còn mở ra yêu cầu cao hơn về quản trị rủi ro chủ động. Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS 9) vốn được thiết kế để trích lập dự phòng sớm thay vì sau khi rủi ro xảy ra đang được một số ngân hàng lớn tại Việt Nam triển khai. Đây là bước đi đồng bộ, bởi IFRS 9 và Basel III đều hướng đến một mục tiêu chung: nâng cao sức đề kháng của hệ thống ngân hàng trước các cú sốc tài chính.

Theo vị chuyên gia, trong dài hạn, những ngân hàng đi tiên phong triển khai đầy đủ Basel III và IFRS 9 sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Không chỉ nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế, các ngân hàng này còn tạo dựng niềm tin vững chắc từ phía nhà đầu tư và khách hàng. Đây hai yếu tố sống còn trong bối cảnh cạnh tranh dịch vụ tài chính ngày càng gay gắt. “Một thương hiệu ngân hàng bền vững không thể được xây dựng chỉ bằng truyền thông, mà cần xuất phát từ nội lực. Đó là nền tảng tài chính vững chắc, quản trị hiệu quả và sự tuân thủ thực chất, không chỉ là hình thức”, ông Peter khẳng định.

Trong thời đại mà trải nghiệm khách hàng và khả năng phân tích dữ liệu trở thành yếu tố quyết định, các ngân hàng Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Việc triển khai Basel III, xét cho cùng, không phải là “gánh nặng tuân thủ”, mà là cơ hội để tự soi chiếu, củng cố và nâng tầm. Một khi nền móng đã vững, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ không chỉ vững vàng trước sóng gió, mà còn đủ bản lĩnh để vươn mình trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới.

Basel III là hiệp định thứ ba trong ba Hiệp định Basel, một khuôn khổ đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế và mức tối thiểu về yêu cầu về vốn ngân hàng, kiểm tra sức chịu đựng, quy định thanh khoản và đòn bẩy, với mục tiêu giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt và phá sản ngân hàng.

Tin khác

Phiên bản di động