Thứ sáu 09/05/2025 05:55

Du lịch Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ di sản

Du lịch Ninh Bình xác định xây dựng thương hiệu với slogan “Tuyệt sắc miền Cố đô”, trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, gắn với di sản, đô thị sáng tạo.
Hội An dẫn đầu danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024 Điểm nhấn quảng bá, lan tỏa thương hiệu du lịch Ninh Bình Ninh Bình: Thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô”

Tăng trưởng ấn tượng

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đã đón gần 5,61 triệu lượt khách, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú đạt hơn 1 triệu lượt, số ngày lưu trú đạt gần 1,12 triệu ngày khách, cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của vùng đất Cố đô trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ di sản
Du lịch Ninh Bình liên tục bội thu trong những năm gần đây. Ảnh: Dươngak

Tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh ước đạt gần 6.057 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều loại hình dịch vụ có mức tăng trưởng cao như vé tham quan (gần 462 tỷ đồng, tăng 1,5 lần), bán hàng hóa, quà lưu niệm (838 tỷ đồng, tăng 46%) và các dịch vụ khác (1.008 tỷ đồng, tăng 1,6 lần). Con số ấn tượng này tiếp nối kết quả đầy khích lệ của năm 2024, khi Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu khách quốc tế, tăng hơn 221% so với năm 2023.

Ông Mạnh cho biết: Ninh Bình là vùng đất cổ với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nơi có gần 2.000 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có trên 81 di tích quốc gia, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt; là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực sở hữu danh hiệu di sản “kép” là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2014.

"Đây là nguồn lực, tài sản vô giá của quốc gia và của tỉnh, tạo động lực, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh Ninh Bình luôn kiên trì, kiên định mục tiêu, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, với hình ảnh, giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An"- ông Mạnh nói.

Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình đã được tỉnh chỉ đạo triển khai từ khá sớm. Đầu năm 2002, Ninh Bình đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, ban hành các nghị quyết, chương trình phát triển du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Du lịch Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ di sản
Khu du lịch Tràng An - Bái Đính luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Dươngak

Quan trọng hơn, thương hiệu du lịch Ninh Bình đã vươn tầm thế giới. Tỉnh liên tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024, top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, top 10 kỳ quan dành cho người thích khám phá yên tĩnh, và danh hiệu “Điểm đến có ảnh hưởng toàn cầu” do Kotler Impact bình chọn cho Tràng An.

Hướng đi chiến lược để định vị thương hiệu

Để thương hiệu du lịch Ninh Bình định vị là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá giai đoạn 2023–2030 với nội dung đậm đà bản sắc di sản, kết hợp nền tảng số và các hoạt động tương tác xã hội để tiếp cận hiệu quả các thị trường khách du lịch trọng điểm. Nhiều sự kiện như Tuần du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”; Lễ hội Hoa Lư; Festival Ninh Bình đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách.

Song song, tỉnh đầu tư bài bản vào môi trường du lịch thân thiện và văn minh. Gần 100 lớp đào tạo kỹ năng ứng xử văn hóa đã được tổ chức cho hơn 11.000 học viên là người dân, lao động, doanh nghiệp làm du lịch. Hệ thống kiểm tra, giám sát dịch vụ du lịch cũng được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách du lịch.

Theo ông Mạnh, chúng tôi không chỉ quảng bá danh lam thắng cảnh, mà còn định hình phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ – trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế. Theo quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị di sản sẽ là trục chiến lược của tỉnh, với trọng tâm là hài hòa bảo tồn và phát triển.

tuần du lịch Ninh Bình 2025
Mùa vàng Tam Cốc - Bích Động . Ảnh: Dươngak

Các địa phương được khuyến khích giữ lại cấu trúc nhà ở truyền thống trong vùng lõi và vùng đệm di sản. Đồng thời, hệ thống hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, kiến trúc cộng đồng được xây dựng mới nhưng đảm bảo hài hòa với cảnh quan Tràng An, Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động. Cách tiếp cận này góp phần gìn giữ giá trị sinh thái, nhân văn và lịch sử, đồng thời nâng cao tính trải nghiệm của du khách.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch xanh, nghỉ dưỡng sinh thái, và du lịch cộng đồng trên nền tảng sinh kế bản địa. Nhiều sản phẩm đã tạo dấu ấn trên thị trường như: Tràng An, chùa Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, Hang Múa, Thung Nham… với hệ sinh thái dịch vụ được nâng cấp, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các phân khúc khách hàng cao cấp và quốc tế.

tuần du lịch ninh bình 2025
Ông Bùi Văn Mạnh phát biểu tại Tuần Du lịch Ninh Bình 2025

Cùng với đó, Ninh Bình đang đẩy mạnh sản xuất quà tặng du lịch gắn với hình ảnh các địa danh nổi bật như núi Non Nước, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, nhằm nâng cao tính nhận diện thương hiệu qua từng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường kết nối văn hóa với công nghệ để thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo trong du lịch như bản đồ số, du lịch thực tế ảo, trải nghiệm thông minh.

Đặc biệt, kế hoạch quảng bá giai đoạn 2024-2030, Ninh Bình xác định rõ: xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ là trách nhiệm của ngành Du lịch, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Việc tạo dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, dịch vụ chất lượng và hình ảnh con người Ninh Bình khoan dung, hiếu khách là cốt lõi để giữ chân du khách và lan tỏa thương hiệu một cách bền vững.

Thương hiệu du lịch Ninh Bình với slogan “Tuyệt sắc miền Cố đô” không chỉ là một khẩu hiệu quảng bá, mà đang trở thành tài sản thương hiệu quốc gia. Từ nền tảng di sản, Ninh Bình đã và đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới, với chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn và nỗ lực đồng hành của cả cộng đồng.

Tin khác

Phiên bản di động