Hiện thực hóa giấc mơ xuyên biên giới
Trong đợt 1 năm 2024, 6 sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang được lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh, gồm: Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh, huyện Yên Sơn; Chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên, huyện Yên Sơn; Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa; Siro chanh và siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo, huyện Hàm Yên. Tổng số lượng tương ứng là 2.200 hộp/chai sản phẩm.
Các sản phẩm đều trải qua quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm bảo đảm không chỉ an toàn mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.
Tỉnh Tuyên Quang có 6 sản phẩm OCOP được lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh. Ảnh: Sở NNPTNT |
Bên cạnh đó, bao bì cũng được thiết kế hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Việc cải tiến mẫu mã, bao bì và nhãn mác không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng mà còn tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành được những vùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất theo hướng hữu cơ. Phát huy kết quả này, Sở Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng trên 50 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức...).
Qua hoạt động này, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt từ thị trường châu Âu. Bước đầu có 6 sản phẩm nông sản đã được lựa chọn xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh. Các sản phẩm này đã được kiểm tra, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn châu Âu; đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục giấy tờ, số lượng hàng hóa sẵn sàng cho việc xuất khẩu.
Mặc dù tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong đợt 1 năm 2024 chưa cao nhưng đây là kết quả bước đầu trong hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm nông sản đặc sản chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường nước ngoài.
Đòn bẩy đưa sản phẩm vươn xa
Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh được đánh giá cao khi ngay từ những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã đã chú trọng đầu tư toàn bộ cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP định hướng hữu cơ. Sản phẩm trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) là 1 trong 6 sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang vừa được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh. Đây là đòn bẩy giúp sản phẩm của Hợp tác xã ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Anh Đỗ Thanh Kim, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là xu hướng tất yếu, từ cuối năm 2020, Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch, khoanh vùng trồng và lựa chọn những loại cây ăn quả, cây dược liệu như: Đu đủ đực, ba kích, xạ đen, cà gai leo, cây khôi nhung, hồng xiêm, xoài, ổi, lê, cam vinh… là những loại cây thế mạnh của địa phương làm cốt lõi để phát triển.
Sản phẩm Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh vừa được xuất khẩu sang Vương Quốc Anh. |
Hiện vùng nguyên liệu của Hợp tác xã trên 21ha. Các quy trình từ trồng, chăm sóc đến chế biến các sản phẩm của Hợp tác xã đều đảm bảo theo chuỗi khép kín. Đến nay, Hợp tác xã sản xuất được 14 sản phẩm nông sản, các sản phẩm đều được kiểm nghiệm, chứng nhận về chất lượng và dư lượng bảo vệ thực vật, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tem truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao năm 2023 gồm: Trà đậu đen xanh lòng, Trà cà gai leo xạ đen, Trà ổi, Trà sâm hoa đu đủ xạ đen, Hoa đu đủ đực sấy lạnh, Hoa đu đủ đực ngâm mật ong, Ổi lê. Đặc biệt, Hợp tác xã vừa có sản phẩm trà ổi và hoa đu đủ đực ngâm mật ong với số lượng 640 lọ được xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Đây là 2 sản phẩm được sản xuất với dây chuyền hiện đại, đảm bảo các quy trình chế biến. Các sản phẩm sau khi thu hoạch được lựa chọn kỹ, thái lát và được sấy lạnh theo thời gian tiêu chuẩn đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.
Sản phẩm của Hợp tác xã được chọn xuất khẩu sang thị trường Anh là niềm tự hào và động lực để Hợp tác xã tiếp tục phát triển. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ dân liên kết trồng và chăm sóc cây dược liệu theo chuẩn hữu cơ; nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm mới có giá trị cao cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, GLOBAl GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.
Các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức như giới thiệu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, kết nối đưa các sản phẩm tại các trung tâm thương mại, các siêu thị và lên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Với việc xuất khẩu thành công các sản phẩm OCOP vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã có tiền đề quan trọng để lên kế hoạch phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, từng bước khẳng định thương hiệu và giá trị nông sản xứ Tuyên đối với thị trường trong và ngoài nước.