Thứ ba 05/11/2024 11:37

Tuyên Quang: Cam sành Hàm Yên - Phát triển thương hiệu bền vững

Huyện Hàm Yên nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Tuyên Quang nổi tiếng với Cam sành - một loại quả đã trở thành thương hiệu đặc trưng của địa phương này.
Xây dựng chiến lược để thương hiệu cam Sành Hà Giang vươn xa Đề xuất xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông nghiệp Thúc đẩy phát triển thương hiệu hồng treo gió Đà Lạt: Từ cây trồng phụ đến đặc sản nổi tiếng

Nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên

Cam sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đặc trưng bởi những tép cam mọng nước với hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu, giống cam sành tại Hàm Yên chứa trên 10% hàm lượng đường, bên cạnh đó, cứ mỗi 100g cam tươi sẽ có từ 40 - 90mg vitamin C cùng nhiều loại axit hữu cơ, các chất khoáng và dầu thơm…

Nhằm “Chắp cánh” cho nhãn hiệu, nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên, thời gian qua huyện Hàm Yên đã phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ, khuyến khích người trồng cam đầu tư, chăm sóc theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam. Hiện địa phương có trên 800 ha cam VietGAP, 16 ha sản xuất cam hữu cơ.

Tuyên Quang: Cam sành Hàm Yên - Phát triển thương hiệu bền vững
Cây cam sành rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của mảnh đất Hàm Yên, Tuyên Quang (Ảnh: Phòng NNHY)

Với những ưu điểm vượt trội, thị trường tiêu thụ cam sành Hàm Yên ngày càng mở rộng, phân bố rộng khắp trên cả nước thông qua các chợ đầu mối hoa quả và các chợ trung tâm của các tỉnh miền Bắc; sản phẩm cũng đã được liên kết tiêu thụ các các chuỗi siêu thị lớn và nhiều cửa hàng nông sản sạch tại các tỉnh miền Bắc.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, năm 2007, huyện Hàm Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành. Năm 2014, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1973.2007 và TCVN1873.2014... Từ đó đến nay, sản phẩm cam Hàm Yên đã trở thành cây ăn quả liên tục đạt top trái cây đặc sản nổi tiếng của nước ta.

Để cây cam phát triển bền vững, vươn xa, thời gian tới, UBND huyện Hàm Yên ban hành kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành, tiếp tục tăng diện tích cam được trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam.

Vườn cam của gia đình anh Hoàng Đức Hùng, xã Tân Thành được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Sau hơn 4 năm, đến nay vườn cam hữu cơ của anh Hùng luôn được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội. Vụ cam vừa qua, 3ha cam hữu cơ của gia đình anh Hùng cho năng suất đạt khoảng 30 tấn. Với giá bán tại vườn hơn 30.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cam trồng theo thông thường, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Theo nghề trồng cam đã hơn chục năm nay, cứ mỗi độ xuân về, gia đình chị Lâm Thị Ánh, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên lại tất bật thu hoạch cam đem bán trong khu vực và các thương lái từ khắp mọi miền. Với diện tích hơn 1ha, sản lượng trung bình mỗi năm 20-30 tấn cam, mỗi năm gia đình chị Ánh thu về 200 đến 300 triệu đồng. Chị Ánh cho biết, năm nay là năm chị vui nhất. Bởi những người trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình chị năm nay bán được giá và dễ tiêu thụ, qua zalo, facebook, tiktok nhiều thương lái ở các tỉnh dưới xuôi lên tận vườn thu mua.

Có thể thấy, việc chuyển đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cam theo hướng sạch, hữu cơ đang đem lại giá trị cao hơn cho quả cam ở Hàm Yên, đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Giải pháp phát triển bền vững

Sản phẩm cam sành ngày càng được nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường phát huy thương hiệu, chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên. Tổng doanh thu xã hội từ sản xuất cam đạt trên 80 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm, thu hút nhiều lao động tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân.

Tuyên Quang: Cam sành Hàm Yên - Phát triển thương hiệu bền vững
Đã từ lâu nay, khi nhắc tới quả cam sành là người dân Việt nghĩ ngay đến vùng đất Hàm Yên, xứ Tuyên. (Ảnh: Phòng NNHY)

Tuy nhiên, đến năm 2024, diện tích cam của địa phương bị suy giảm so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020): Năm 2024 là 6.101 ha, giảm 1.169 ha; sản lượng năm 2023 trên 80.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với năm 2020. Sản phẩm cam không có thị trường tiêu thụ ổn định, liên doanh, liên kết trong sản xuất còn nhiều hạn chế; các loại nấm, vi rút, vi khuẩn gây hại làm cho cam bị bệnh vàng làm giảm diện tích; một số hộ sản xuất cam không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, còn tình trạng lạm dụng phân bón hoá học thuốc bảo vệ thực vật, không bón bổ sung phân hữu cơ làm cho đất bị chua hạn chế khả năng hút dinh dưỡng của rễ cam…

Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hoạt động quảng bá sản phẩm thường niên (hội chợ, lễ hội, hội nghị, hội thảo…); xây dựng thêm nhiều kênh bán hàng tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối hoa quả; đẩy mạnh liên kết phát triển thị trường tại các tỉnh phía Nam; sản phẩm cam sành Hàm Yên được định hướng sẽ tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là cơ hội lớn để thương hiệu cam sành Hàm Yên đến được với những thị trường tiềm năng, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước mắt, huyện Hàm Yên sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành của huyện, song song với đó, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam sành theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ cam sành thường niên mỗi năm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...

Để giữ vững và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên thì cùng với việc yêu cầu người trồng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc vườn cam, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã có những chương trình cụ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm có chất lượng.

Với thế mạnh sẵn có, cùng những định hướng rõ ràng cho kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu tiêu thụ sản phẩm, hứa hẹn rằng sản phẩm cam sành Hàm Yên trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành công. Từ đó, từng bước mang thương hiệu cam sành vùng cao đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tin khác

Phiên bản di động