Sáng 14/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án.
Hiện nay, Tuyên Quang đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch: lịch sử, tâm linh, sinh thái, du lịch cộng đồng. Năm 2024, Tuyên Quang đã thu hút gần 2,9 triệu khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.700 tỷ đồng.
Các sản phẩm Ocop của tỉnh được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Báo Tuyên Quang |
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm kết nối giao thương, thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Tuyên Quang.
Hội nghị nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện ký kết các biên bản hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch với các doanh nghiệp, hợp tác xã của nhiều địa phương; tham quan triển lãm ảnh đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; tìm hiểu các sản phẩm Ocop của tỉnh được giới thiệu tại hội nghị.
Thông qua hội nghị, tỉnh Tuyên Quang mong muốn sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
Bên cạnh đó, thông các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thị trường, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; không ngừng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, ký kết được nhiều hợp đồng, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như yêu cầu thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.