Thanh Hóa: Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP nhờ công nghệ số Khẳng định thương hiệu OCOP Hà Tĩnh nhờ lên sàn thương mại điện tử |
Khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 11 huyện miền núi gồm: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành, có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 8.000km2, chiếm trên 71% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, với tổng số dân trên 1,1 triệu người; trong đó hơn 70% là đồng bào người dân tộc thiểu số.
![]() |
Với nhiều lợi thế, tiềm năng sẵn có nên các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa luôn sở hữu đa dạng các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các sản phẩm OCOP độc đáo |
Là địa bàn vùng cao nên các huyện trên có tổng 213,6 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, dọc tuyến biên giới có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn và Cửa khẩu Khẹo; có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 15, quốc lộ 16, quốc lộ 217, rất thuận lợi để kết nối với trục đường Hồ Chí Minh và Cảng hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện cho các huyện miền núi Thanh Hóa giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đây cũng là khu vực có nhiều tài nguyên, khoáng sản; điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là nghề rừng, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và cây dược liệu… Với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khí hậu, cùng bản sắc văn hóa truyền thống là điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông sản, thực phẩm mang tính đặc trưng.
![]() |
Nhiều sản phẩm đặc sắc của huyện Quan Sơn được quảng bá, giới thiệu rộng rãi |
Trong đó có nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu, quý hiếm, sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển hàng hóa, như: Tinh dầu quế và ống hút tre của huyện Thường Xuân; kẹo nhãn Châu Lang, mật ong rừng Chí Linh Sơn, muối mắc khẻn Mường Đeng huyện Lang Chánh; mía Kim Tân, cam Vân Du, cam Vy Giang, ổi của huyện Thạch Thành; mật ong rừng Pù Luông, trà quýt hoi huyện Bá Thước; miến dong Đồi Ao, mật ong hương rừng Đất Cẩm, rượu nếp thơm Sơn Thành, của huyện Cẩm Thuỷ; miến dong Hương Ngọc, gạo nếp hạt cau Thạch Lập, bột sắn dây Hương Quê, các sản phẩm thổ cẩm của huyện Ngọc Lặc; miến dong Yên Lạc, nem ống huyện Như Thanh; hương bài Yên Cát, mật ong rừng Bản Thổ; mắc ca Thành Phát huyện Như Xuân; nếp cay Nọi, thịt trâu gác bếp huyện Mường Lát; bánh nhãn Mường Ca Da, măng khô, thịt bò sấy, măng chua Piềng Cú huyện Quan Hóa; chè tán ma của huyện Quan Sơn…
Những năm qua, khu vực miền núi đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm thực phẩm nông sản, sản phẩm OCOP mang giá trị cao, hình thành vùng chuyên canh sản xuất, sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; được tiêu thụ trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí vươn tầm thế giới và được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.
![]() |
Dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Vân Du của huyện Thạch Thành |
Việc các sản phẩm vùng cao xứ Thanh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP dần khẳng định được thương hiệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho những chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, kinh doanh mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khẳng định thương hiệu
Để tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu sản phẩm vùng cao xứ Thanh, trong thời gian qua, chính quyền, các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu cho từng sản phẩm; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm OCOP; hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hóa, năm 2024. Hội chợ lần này được bắt nguồn từ sự kiện xúc tiến thương mại thường niên là Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa; sau đó mở rộng quy mô, kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch và nâng tầm trở thành Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hóa, năm 2024.
![]() |
Nhiều chương trình, sự kiện được tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền của vùng cao xứ Thanh |
Sự kiện được tổ chức nhằm trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các huyện miền núi và các món ngon ẩm thực xứ Thanh; giới thiệu các khu, điểm du lịch và các tour du lịch tại khu vực miền núi của tỉnh; phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm và vui chơi, giải trí, trải nghiệm của nhân dân trong khu vực.
Ngoài ra, hội chợ còn là dịp để Thanh Hóa nói chung và 11 huyện miền núi của tỉnh nói riêng đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế; giới thiệu các thành tựu kinh tế - xã hội, các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương; mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhau cùng phát triển giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó là hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh miền núi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, ký kết các hợp đồng kinh tế, các biên bản ghi nhớ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
![]() |
Qua nhiều nỗ lực, cố gắng, các sản phẩm vùng cao xứ Thanh đã dần khẳng định được thương hiệu |
Ngoài sự kiện trên, trong giai đoạn 2021-2025, tại khu vực miền núi còn có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đã và đang được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa…
Với sự nỗ lực, cố gắng cũng như định hướng đúng đắn, các sản phẩm vùng cao, sản phẩm OCOP miền núi xứ Thanh sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước. Cùng với đó là mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi nói riêng và người dân trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.