Thứ tư 25/12/2024 00:41

Hưng Yên: Phát triển thương hiệu nông sản địa phương qua kênh thương mại điện tử

Hưng Yên từng bước khẳng định thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, kết hợp với chuyển đổi số để vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sản phẩm vùng cao xứ Thanh dần khẳng định thương hiệu Mật ong - tinh hoa của núi rừng Tây Bắc

Hưng Yên nổi bật với 271 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3, 4 sao. Với phương châm phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm cả chất và lượng để nâng cao giá trị, địa phương này đang có những nỗ lực rõ rệt trong việc khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế.

Đảm bảo phát triển sản phẩm OCOP cả chất và lượng

Nhận thấy Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là sáng kiến quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn bền vững thông qua việc khai thác tiềm năng địa phương, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã không ngừng nỗ lực thực hiện chương trình ý nghĩa này và gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận.

Sau 6 năm thực hiện chương trình, số lượng sản phẩm OCOP của Hưng Yên tăng qua từng năm và chất lượng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 271 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao của 109 chủ thể gồm: 53 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp, 12 tổ hợp tác và 31 hộ kinh doanh. Thành quả này đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho người dân địa phương và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hưng Yên: Phát triển thương hiệu nông sản địa phương qua kênh thương mại điện tử
Các sản phẩm OCOP ở Hưng Yên đang góp phần tạo thương hiệu mạnh, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường và quảng bá tốt hình ảnh cho địa phương. Ảnh: Hoàng Nam

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hưng Yên chủ yếu tập trung vào những nhóm sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh của địa phương, đã gây được ấn tượng sâu sắc trong trải nghiệm của người tiêu dùng.

Có thể kể đến là sản phẩm long nhãn của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thuỷ sản Hưng Thịnh, được chọn lọc kỹ càng từ các vườn nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Một sản phẩm khác cũng rất nổi bật đó là tinh bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng minh Châu, hay như Gạo Bắc Thơm An Đình cũng là sản phẩm gạo OCOP chất lượng cao.

Với đà phát triển mạnh mẽ, đến năm 2025, toàn tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm 70 – 100 sản phẩm OCOP được công nhận, 100% sản phẩm OCOP hạng 3 sao được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, có ít nhất 50% số chủ thể sản xuất tham gia các kênh bán hàng hiện đại. Tuy vậy, tỉnh Hưng Yên vẫn bám sát phương châm không vì đạt được lượng mà bỏ qua chất, luôn phải đặt chất lượng và độ uy tín của từng sản phẩm OCOP lên hàng đầu.

Trả lời báo chí, đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát Triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: “Để bảo đảm chất lượng sản phẩm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên sẽ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các bước thẩm định; yêu cầu các địa phương cần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng thực chất và bền vững, không vì số lượng mà giảm chất lượng; kiên quyết thu hồi công nhận với các sản phẩm không bảo đảm các tiêu chí của chương trình đề ra”.

Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh Hưng Yên đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ OCOP quốc gia, đưa các sản phẩm hàng đầu của mình “chinh phục” người tiêu dùng trong nước, xa hơn là vươn tầm quốc tế.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử

Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy sản phẩm OCOP của Hưng Yên ngày càng được nâng tầm, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao đó việc việc tăng cường quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản phẩm, các cấp, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế số nông nghiệp, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các chủ thể sản xuất và các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP đã được giới thiệu trên các sàn như Sàn Việt, Voso, Shopee, Postmart, và các nền tảng khác.

Trong đó, Sàn Việt là một nền tảng thương mại điện tử do Bộ Công Thương quản lý, đã trở thành kênh phân phối chiến lược cho các sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm đặc trưng từ khắp mọi miền đất nước, đồng thời tận hưởng lợi ích từ tính năng so sánh giá và các chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Có thể thấy, OCOP Hưng Yên đã và đang khẳng định vị thế vững chắc của mình trong việc phát triển sản phẩm bền vững, không chỉ chú trọng đến chất lượng mà còn đảm bảo sản lượng ổn định. Nhờ vào sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại, các sản phẩm OCOP Hưng Yên ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và danh tiếng của địa phương.

Tin khác

Phiên bản di động