Hoà Bình: Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu Măng Hòa Bình: Sản vật núi rừng vươn tầm thế giới |
Khẳng định thương hiệu sản phẩm từ núi rừng Tây Bắc
Tỉnh Hòa Bình là một vùng đất Tây Bắc với đa dạng các khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng. Trong đó, phải kể đến những cái tên như Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Mai Châu và các vùng núi cao khác. Đây là địa phương có hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng với nhiều loài cây hoa, thảo mộc và mật hoa phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi ong rừng. Bên cạnh đó, khí hậu nơi đây là nhiệt đới gió mùa, với mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh khô, rất thích hợp cho việc phát triển các loài thực vật tạo nguồn mật cho ong.
Đặc biệt, Hòa Bình sở hữu nhiều loại cây hoa dại và cây ăn quả, từ các loài hoa rừng như hoa cà phê, hoa xoan, đến các loài hoa của các vườn cây ăn quả như bưởi, mận, và nhãn. Những loài hoa này là nguồn thức ăn phong phú cho ong, giúp ong sản xuất mật có chất lượng cao và có hương vị đặc trưng.
Nhờ vào điều kiện tự nhiên phong phú, từ những năm 60 của thế kỉ XX, nhân dân địa phương đã biết sử dụng mật ong để phục vụ nhu cầu của gia đình. Đến năm 2000 trở đi, nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế giúp các hộ dân cải thiện kinh tế gia đình. Nhiều hộ nuôi từ 20 - 30 đàn để lấy mật sử dụng hoặc bán ra thị trường để có thêm thu nhập. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, những năm trở lại đây Hòa Bình đang tập trung phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật, đem những “giọt mật rừng” tinh túy nhất ra thị trường.
Mật ong vốn là một sản phẩm quý được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe và sắc đẹp nếu sử dụng thường xuyên. Bổ sung mật ong chất lượng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày hoặc kết hợp với các sản phẩm khác sẽ tạo ra những món ăn và đồ uống ngon miệng, bổ dưỡng.
Người dân vùng Tây Bắc nuôi và thu hoạch mật ong sạch tại trang trại. Ảnh: Hoa Ban Trắng |
Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mật ong tại tỉnh Hòa Bình đã áp dụng nhiều giải pháp từ khâu thu hoạch, chế biến mật đến bảo quản và giám sát chất lượng bao bì khi ra thành phẩm sao cho mỗi sản phẩm khi đem ra thị trường đều đảm bảo về chất lượng.
Đơn cử, mật ong rừng Hợp Tiến của Hợp tác xã Greenlife (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Đây là một sản phẩm quý giá được khai thác từ khu rừng Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến của xã Hợp Tiến. Đây là sản phẩm mật ong đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao cùng với việc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Hay như thương hiệu Mật ong rừng Hưng Thi của Hợp tác xã Phạm An tại xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy. Hợp tác xã này có 25 thành viên và duy trì hơn 700 đàn ong, với sản lượng mỗi lần quay đạt 7 tạ đến 1 tấn mật.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, hợp tác xã này đang xây dựng thương hiệu Mật ong rừng Hưng Thi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hợp tác xã đã hoàn thiện quy trình sản xuất chung, cam kết chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời được huyện hỗ trợ thiết kế bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, đầu tư thêm thiết bị như máy hạ thủy phần nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường...
Đa dạng kênh phân phối qua sàn thương mại điện tử
Từ lâu, Hòa Bình đã nổi tiếng là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó có mật ong rừng. Hiện nay, tỉnh thành này cũng đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước. Để hoàn thành được mục tiêu này, bên cạnh xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên có đủ điều kiện xúc tiến thương mại trên hệ thống các sàn thương mại điện tử (chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok), kênh bán lẻ quốc tế tại các thị trường nước ngoài (châu Âu, Trung Quốc),...
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho hay: “Đến nay, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 67 cơ sở với 137 sản phẩm lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình với sàn hợp nhất (sanviet.vn), qua đó đưa 79 sản phẩm của 33 cơ sở lên sàn hợp nhất”.
Việc đưa sản phẩm OCOP nói riêng và các sản phẩm địa phương nói chung lên sàn thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, giải pháp này giúp sản phẩm địa phương tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, vượt qua ranh giới địa lý và hạn chế của các kênh phân phối truyền thống, góp phần tăng trưởng doanh thu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, từ đặt hàng, thanh toán đến giao nhận, giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm.