Thứ ba 06/05/2025 02:48

Doanh nghiệp "đi trước đón đầu" đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU

Để thích ứng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), nhiều doanh Việt đã "đi trước đón đầu", tận dụng thời cơ hướng tới xuất khẩu xanh và bền vững.
Siêu thị, trung tâm thương mại Đà Nẵng: Lấy tiêu chuẩn xanh ‘cộng điểm’ thương hiệu Doanh nghiệp 'tăng tốc' chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đặc biệt, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững... Theo đó, hiện nay xuất khẩu xanh đang đặt ra là yêu cầu 'sống còn'.

Thực tế cho thấy, trước bối cảnh với nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng gây mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ môi trường bền vững, ngày 16/5/2023, EU đã thông qua quy định EUDR, có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và bắt đầu áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày có hiệu lực (ngày 30/12/2024); riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời gian áp dụng sau 24 tháng (ngày 30/6/2025).

Theo đó, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản bao gồm cà-phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca-cao và đậu nành nếu các hoạt động trong chuỗi cung tại quốc gia sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng (thời điểm tính từ sau ngày 31/12/2020). Tuy nhiên, đến nay, EU chưa có những hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi.

Doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển Nông nghiệp Bền vững – Công ty Simexco ĐakLak chia sẻ về các quy định khi tham gia thị trường EU. Ảnh: Đỗ Nga

Để thích ứng với các quy định mới này của EU, buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình. Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) – một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới đã "đi trước đón đầu" đáp ứng đủ các quy định EUDR.

Chia sẻ về vấn đề EU cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản ở quốc gia có tình trạng mất rừng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển Nông nghiệp Bền vững – Công ty Simexco ĐakLak cho biết, Simexco ĐakLak đã có sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ trước, với các vùng trồng liên kết bền vững từ 2009.

Nắm bắt được xu hướng, ông Dũng cho biết, Simexco Dak Lak đã nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn EUDR. Hiện, doanh nghiệp đang liên kết với hàng nghìn nông hộ, xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR. Theo đó, đến nay, hàng năm, Simexco ĐakLak xuất khẩu một lượng cà phê khá lớn, từ 50.000-70.000 tấn vào thị trường châu Âu.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Dũng cũng chỉ ra, việc xuất khẩu sang các thị trường lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Theo đó, ông Dũng cho biết, đối với doanh nghiệp cần phải thẩm định toàn bộ chuỗi cung ứng của mình và đánh giá những tác động liên quan đến môi trường hay quyền con người của từng mắt xích. Đồng thời phải có những giải pháp để giảm thiểu cũng như tiến tới loại bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn bộ chuỗi cung ứng mang lại.

Chỉ ra thêm những rủi ro, đặc biệt trong quá trình giao hàng, ông Trần Chí Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, cùng với sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử, kéo theo nhu cầu gia tăng trong giao hàng B2C - mô hình doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng (khách hàng) - cũng như sự phát triển của các dịch vụ thương mại quốc tế đang tạo ra những cơ hội tốt thúc đẩy thị trường logistics của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành logistics Việt cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhìn từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp
Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang EU, ông Trần Chí Dũng kiến nghị, cần phải xây dựng trung tâm dữ liệu chung, có liên kết, kết nối chặt chẽ, hỗ trợ nhau. Ảnh: Đỗ Nga

Q trình từ khi chuẩn bị một đơn hàng, ra đơn hàng cho đến giao hàng là quá trình phức tạp nhất. Cụ thể, đơn hàng đi qua nhiều biên giới khác nhau, phương tiện vận tải khác nhau, nhiều cách thức đóng gói khác nhau rủi ro từ giấy tờ chứng từ phát sinh rất nhiều”, ông Trần Chí Dũng nêu.

Do đó, theo ông Trần Chí Dũng, để khắc phục những trở ngại kể trên, các doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với quy mô và nhu cầu của mình; lựa chọn kỹ mô hình ứng dụng công nghệ; đảm bảo quá trình chuyển đổi hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số…

Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô, để thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics Việt, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác với tổ chức, Chính phủ liên quan. Song song với đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng của người lao động để sử dụng và điều hành các hệ thống AI trong logistics cũng là một yếu tố quan trọng của doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, ông Trần Chí Dũng kiến nghị, cần phải xây dựng trung tâm dữ liệu chung, có liên kết, kết nối chặt chẽ, hỗ trợ với nhau. "Nhìn từ kinh nghiệm của đất nước Singapore cho thấy, họ đã xây dựng một cộng đồng chung bao gồm các ngân hàng, các đế chế tài chính, các tổ chức hiệp hội rồi thu hút các công ty logistics vào làm cùng, từ đó, thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số, đem đến sự tăng trưởng lớn cho kim ngạch xuất khẩu”, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam chỉ ra.

Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan trên cơ sở kế hoạch hành động Chương trình tăng trưởng xanh của Chính phủ, rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách và cơ chế, công cụ pháp lý liên quan đến việc tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững và kiểm soát về tiêu thụ năng lượng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại và đặc biệt là liên quan đến hoạt động xuất khẩu.

Tin khác

Phiên bản di động