PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu xanh - 'Cuộc chơi' buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là xu hướng mà trở thành điều kiện tiên quyết |
Các thị trường lớn ngày càng siết tiêu chuẩn nhập khẩu
Phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 01/10/2021 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Nhằm khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/12, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa. Theo đó, dù GDP tăng trưởng cao nhưng kéo theo phát thải trên đơn vị GDP cũng nhiều hơn, trong khi so với các nước trong khu vực đều đang có chiều hướng đi xuống.
Chuyển đổi xanh và bền vững không chỉ là xu thế, mà là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: C.T |
“Nếu chúng ta tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng này, sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Do đó, mục tiêu quan trọng hiện nay là có thể duy trì được tăng trưởng nhưng không tăng phát thải", chuyên gia Nguyễn Bá Hùng khuyến cáo.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều đối tác lớn như EU và Anh, giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ và các ngành hàng khác. Với các FTA, khả năng kết thúc năm 2024 với kỷ lục xuất nhập khẩu rất khả quan, dự kiến tối thiểu 777-780 tỷ USD, nếu đơn hàng tăng mạnh có thể đạt mốc 800 tỷ USD vào cuối năm nay, trong đó xuất khẩu ước đạt 380-390 tỷ USD. Mục tiêu xuất nhập khẩu cán mốc gần 1.000 tỷ USD sẽ không còn xa, khi Việt Nam vẫn đón thêm dòng vốn FDI từ nhiều quốc gia vào lập cứ điểm sản xuất.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ rõ, trước bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đặt ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời, các thị trường lớn ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Điều này kéo theo các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu nhưng thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt đều đang "đau đầu" tìm câu hỏi giải bài toán nguồn lực cho chuyển đổi để tăng thích ứng với tiêu chuẩn từ các nhà mua hàng toàn cầu.
Do đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, ông Nguyễn Bá Hùng lưu ý, doanh nghiệp cần triển khai các hoạt động báo cáo xanh và bền vững, căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế để rà soát quy mô, mức độ phát thải của đơn vị mình đang ở đâu, công nghệ ở mức nào, nếu kém cạnh tranh về phát thải thì cần nâng cấp về công nghệ, cũng là chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
"Việc này nhằm giúp doanh nghiệp lập hồ sơ xác nhận với nhà nhập khẩu, thể hiện việc chuyển đổi công nghệ xanh. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực quản trị trong bối cảnh chuyển đổi" - ông Hùng nói.
Khơi thông nguồn lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Song yêu cầu đặt ra là cần sự tổng hòa của các nguồn lực, trong đó, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng.
Thông tin về các nguồn vốn cho doanh nghiệp, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho biết, nguồn vốn được khai thác từ nhiều nguồn, như từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn nước ngoài, vốn của doanh nghiệp, dân cư..., nhưng quan trọng nhất vẫn phải dựa vào thị trường tài chính xanh, trong đó trái phiếu xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế.
Tư vấn cho doanh nghiệp, ông Hùng cho rằng, để có vốn xanh cho đầu tư phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính xanh từ các tổ chức trong nước và quốc tế, hoặc thông qua phát hành trái phiếu.
Chuyển đổi xanh sẽ là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: N.M |
“Nếu các doanh nghiệp đủ lớn, có thể tính đến việc phát hành trái phiếu rồi chuyển sang phát hành trái phiếu xanh hoặc trái phiếu bền vững. Điều này sẽ góp phần xanh hoá nguồn tài chính của doanh nghiệp, là cách để doanh nghiệp thực hiện được hoạt động chuyển đổi xanh của mình”, ông Hùng khuyến nghị.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, những tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững đã được tiêu chuẩn hóa, trở thành quy định bắt buộc của thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần định vị trong thời gian tới khi xuất khẩu vào EU cần sự chuẩn bị nhanh chóng, để trong giai đoạn tới (2026-2028) có thể đáp ứng được các yêu cầu liên quan tới chuyển đổi xanh...
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, chuyển đổi xanh sẽ là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế. Từ đó không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn tạo cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.