Thứ năm 21/11/2024 16:51

Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường

Tinh dầu tràm ở Thừa Thiên Huế nổi tiếng từ rất lâu, được người dân và du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, song hiện gặp những “rào cản” khi ra thị trường.
Bước đột phá trong sản xuất tinh dầu thiên nhiên từ cây màng tang Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6 Thừa Thiên Huế: Những Di sản được UNESCO công nhận

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Tinh dầu tràm Huế. Chỉ dẫn được quản lý bởi Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế.

Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường
Chưng cất tinh dầu tràm Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Khu vực địa lý gồm: Xã Phong Xuân, xã Phong Sơn, xã Phong An, xã Phong Hiền, xã Phong Hòa, xã Phong Bình, xã Phong Chương, xã Điền Lộc, xã Phong Mỹ, xã Phong Thu, xã Điền Môn, xã Điền Hòa, xã Điền Hương, xã Phong Xuân và thị trấn Phong Điền t(huộc huyện Phong Điền); xã Lộc Bổn, xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến, xã Lộc Sơn, xã Lộc An, xã Lộc Hòa, xã Lộc Điền, thị trấn Lăng Cô và thị trấn Phú Lộc (thuộc huyện Phú Lộc); xã Quảng Lợi, xã Quảng Vinh, xã Quảng Thái và thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền; Xã Hương Thọ, phường Hương Văn và phường Hương Vân (thuộc thị xã Hương Trà); một số xã thuộc TX. Hương Thuỷ và một số phường thuộc thành phố Huế… tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, hai “thủ phủ” cho việc chưng cất tinh dầu tràm là huyện Phú Lộc và Phong Điền.

Tinh dầu tràm Huế là sản phẩm được chiết xuất tự nhiên từ cây tràm theo phương thức nấu chưng cất truyền thống không có hóa chất nên rất an toàn cho người dùng. Dầu tràm có màu vàng hoặc màu xanh lá pha vàng – đây cũng chính là màu của chất diệp lục trong lá và có mùi gây đặc trưng.

Hiện nay, Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 100 hội viên đăng ký tham gia, riêng Hợp tác xã dầu tràm Lộc Thuỷ (huyện Phú Lộc) có 25 hội viên. Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất tinh dầu tràm được công nhận sản phẩm OCOP như: dầu tràm Kim Vui, Hoa Nén, Linh Đan, Trường Hải…

Theo Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế, việc tinh dầu tràm Huế được chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người tiêu dùng có thông tin về nguồn gốc của hàng hóa. Đồng thời, người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường
Tinh dầu tràm Huế tham gia xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tuy vậy, sau gần 4 năm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế vẫn gặp những “rào cản” để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất tinh chế dầu tràm cho biết, khó khăn hiện nay là tinh dầu tràm (dạng lỏng) không cho phép vận chuyển bằng đường hàng không. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế bằng máy bay chiếm tỷ lệ khá lớn. Đồng thời, trên thị trường có nhiều loại dầu tràm không có nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi thật - giả lẫn lộn khiến thị trường dầu tràm Huế bị ảnh hưởng.

Trước những thách thức đó, nhiều cơ sở mạnh dạn đầu tư, chuyển hướng sang sản xuất cao dầu tràm (dạng đặc), tuy nhiên loại này ít được thị trường ưa chuộng và cho rằng dạng cao không hiệu quả bằng dạng tinh dầu.

Anh Nguyễn Khoa Thắng – Cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Đan (huyện Phong Điền) cho biết, mong ngành hàng không xem xét đưa sản phẩm dầu tràm đi được bằng đường hàng không và đây cũng là tâm huyết của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm tại Thừa Thiên Huế hiện nay.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Trần Văn Lực - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế cho biết, hiện nay có nhiều dự án về nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành có sản xuất dầu tràm nên tính cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ hơn, sản phẩm không còn độc quyền của một tỉnh nữa.

Tuy nhiên, sản phẩm tinh dầu tràm Huế có thương hiệu từ lâu đời, là sản phẩm dầu tràm đầu tiên trên cả nước cấp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý nên đã tạo được chổ đứng trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế thường xuyên tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tập huấn công tác bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội... nên mang lại hiệu quả đầu ra rất tốt cho tinh dầu tràm Huế hiện nay.

“Đề nghị Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng tiếp tục quản lý việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (trong đó có tinh dầu tràm - PV), đó là khi đưa các sản phẩm lên sản phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, thủ tục pháp lý đúng quy định”, ông Lực kiến nghị.

Còn nhiều “rào cản” cho tinh dầu tràm Huế khi ra thị trường
Dầu tràm Huế thu hút người tiêu dùng. Ảnh. Nguyễn Tuấn

Để giải quyết vướng mắc khi đưa dầu tràm lên máy bay, thời gian qua ngành Công thương, Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều kiến nghị, tham mưu đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế gửi văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam nhằm “gỡ khó” cho dầu tràm, nhưng vẫn chưa có kết quả. Cơ quan hàng không cho rằng tinh dầu tràm (dạng lỏng) gây ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay, không đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Bên cạnh đó, để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều cơ sở sản xuất, chưng cất dầu tràm tại Thừa Thiên Huế chủ động liên kết với các kênh phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, mở đại lý trên toàn quốc nhằm đưa dầu tràm đến với đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, kinh doanh theo hình thức này tốn rất nhiều chi phí, giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, tính cạnh tranh bị hạn chế.

Tin khác

Phiên bản di động