Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn Tây Ninh đã cấp 59 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu |
Tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng
Với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường hiện nay, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản trở thành điều cấp thiết của ngành trồng trọt. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...
Cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp |
Đến nay, nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Nguyên nhân một phần là nhờ công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai rộng khắp trên cả nước, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia.
Cả nước hiện có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn lực để giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tiêu biểu tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện rất tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng để nâng cao uy tín nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Chú trọng xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản địa phương
Trong nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang quan tâm tới việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với cây ăn trái, bởi đây là cơ sở quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiêu thụ nông sản lớn.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay, địa phương đã có 284 mã số vùng trồng cây ăn trái được cấp, với diện tích khoảng 20.444 ha. Trong đó, có 72 mã số vùng trồng mít, với diện tích hơn 8.626 ha; 80 mã số vùng trồng thanh long, với diện tích khoảng 6.146 ha; 34 mã số vùng trồng xoài, diện tích hơn 1.608 ha; 12 mã số vùng trồng vú sữa, diện tích hơn 72 ha; 5 mã số vùng trồng dưa hấu, diện tích 819 ha; 3 mã số vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 388 ha; 2 mã số vùng trồng nhãn, diện tích hơn 120 ha; 72 mã số vùng trồng sầu riêng, diện tích hơn 2.600 ha; 4 mã số vùng trồng bưởi, diện tích hơn 60 ha và 308 mã số cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến trái cây với quy mô khá lớn, đang hoạt động, với công suất chế biến 47.000 tấn/năm.
Đặc biệt, đối với cây sầu riêng, một trong những đặc sản mang lại giá trị kinh tế lớn, Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm hướng đến xây dựng, mở rộng và quản lý chặt chẽ các vùng trồng sầu riêng; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sầu riêng về tầm quan trọng của mã số vùng trồng; lợi ích của việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đó, Tiền Giang hướng mục tiêu đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất tập trung trên cây sầu riêng với tổng số 324 mã số vùng trồng, với diện tích 14.469 ha.
Xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu nông sản cho nhân dân, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh cây ăn quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm |
Cũng giống như Tiền Giang, tại tỉnh Sơn La, những năm gần đây, sản phẩm quả xoài, nhãn của Sông Mã đã khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Huyện Sông Mã hiện có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, đã xây dựng 48 mã vùng trồng xoài, nhãn, với 482ha, gồm 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Trong năm 2023, huyện đã tiêu thụ trên 98.400 tấn, trong đó, xuất khẩu 32.900 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 triệu USD.
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của người dân, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu của huyện.
Có nhiều diện tích nông sản được cấp mã số vùng trồng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã đã có sản phẩm xoài, nhãn xuất khẩu. Đến nay, hợp tác xã đã được cấp 2 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, với 10 ha xoài, 23 ha nhãn. Năm 2023, sản lượng quả các loại của hợp tác xã đạt hơn 400 tấn, trong đó 150 tấn xoài, nhãn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nhãn Sông Mã bắt đầu vào chính vụ, cùng với việc chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nhãn an toàn theo quy trình, huyện còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp có uy tín để đưa sản phẩm nhãn chinh phục các thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hình thành nhiều vùng chuyên canh, với nhiều sản phẩm có chất lượng. Việc cấp mã số vùng trồng sẽ là cơ hội để minh bạch nguồn gốc sản phẩm và cũng là giấy thông hành để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.