Thứ sáu 22/11/2024 06:00

Tạo dựng thương hiệu riêng để mở rộng xuất khẩu

Phần lớn hàng hóa Việt xuất khẩu sang các nước vẫn mang thương hiệu nước ngoài, do đó, xây dựng thương hiệu là cách để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Định vị thương hiệu quốc gia xanh: Bắt đầu từ đâu? Khánh Hoà: Tự hào với những sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Truyền thông- Công cụ tốt lan tỏa thương hiệu

Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu riêng

Theo thống kê, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 371,5 tỷ USD, thì có tới 233 tỷ USD hàng hóa xuất sang hơn 60 thị trường có FTA, trong đó có gần 80 tỷ USD được ưu đãi thuế quan.

Dù xuất khẩu vẫn tăng đều hàng năm, nhưng lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… phần lớn vẫn mang thương hiệu nước ngoài, giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

thuong hieu

Thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang nhiều thị trường nước ngoài đã có tăng trưởng ấn tượng

Đại diện phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng không phải là câu chuyện của tất cả các doanh nghiệp.

Vấn đề này chỉ dành cho một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng và có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản. Bởi vì nếu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo tính ổn định cũng như thường xuyên nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Từ đó mới giữ được khách hàng, giữ được thị trường và giữ được uy tín của thương hiệu của mình đối với nhà nhập khẩu, cũng như người tiêu dùng quốc tế”, đại diện phòng Chính sách xúc tiến thương mại chỉ ra.

Theo vị này, doanh nghiệp có thể tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại để xây dựng, phát triển thương hiệu. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích.

Với sự quan quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và quan trọng là sự đồng hành rất tích cực và chủ động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh và quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam là một quốc gia có những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chất lượng, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự thăng hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ thương hiệu quốc tế.

Theo đánh giá của tổ chức Brand Finance, một tổ chức định giá thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Anh, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 hay các xung đột chính trị thì thương hiệu quốc gia Việt Nam là một trong những thương hiệu quốc gia có mức tăng trưởng giá trị mạnh nhất thế giới.

Trong giai đoạn 2019 - 2022 thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 74% và trong bảng đánh giá của họ ở top 121 quốc gia có thương hiệu mạnh của thế giới thì Việt Nam có sự tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2023, Việt Nam xếp hạng 33/121 quốc gia, cũng là một sự tích cực về mặt thương hiệu quốc gia.

Kinh nghiệm từ một doanh nghiệp

Đại diện Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex cho biết, để xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho sản phẩm là con đường không hề đơn giản và doanh nghiệp cần có chiến lược và hướng đi khác biệt.

Con đường xây dựng một thương hiệu và nhãn hiệu riêng là một con đường không hề đơn giản. Đó là một con đường đòi hỏi doanh nghiệp cần phải kiên trì và rất quyết tâm. Nhưng không phải là không thể làm. Bởi khi chúng ta quyết tâm và biết cách làm thì chắc chắn sẽ làm được và sẽ làm tốt”, đại diện Vinasamex chia sẻ.

thuong hieu

Xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu chỉ dành cho một số doanh nghiệp thực sự sẵn sàng, có tiềm lực, có sự hiểu biết về thị trường và có chiến lược bài bản

Theo đó, Vinasamex tập trung vào 4 thị trường chính là châu Âu, Mỹ và Canada; Nhật Bản và Hàn Quốc. “Đây là 4 thị trường có yêu cầu rất khắt khe và khó tính về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là một con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp”, đại diện Vinasamex nhấn mạnh.

Để chuyển hướng sang xuất khẩu bằng thương hiệu riêng sang thị trường nước ngoài, Vinasamex đã xây dựng chuỗi giá trị, đào tạo cho nông dân và đăng ký những chứng nhận quốc tế, đây là giấy thông hành giúp cho Vinasamex có thể bán được những sản phẩm vào thị trường này, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bán được sản phẩm với giá trị cao hơn và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế hồi và gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Vinasamex cũng thay đổi chiến lược, định hướng kinh doanh tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp, xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Đến nay, các sản phẩm quế, hồi và gia vị mang thương hiệu Vinasamex đã khẳng định được vị trí tại những thị trường cao cấp, trở thành bạn hàng, đối tác cung cấp cho nhiều thương hiệu trà, rượu, nhà hàng,… nổi tiếng thế giới.

Tuy nhiên, ở góc độ xúc tiến thương mại, đại diện Vinasamex cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích và nhất là quan tâm tới những vấn đề mà thị trường đang hướng tới như chuyển đổi xanh, phát triển bền vững… phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Mặt khác, phải chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội triển khai và tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.

Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các kế hoạch truyền thông định kỳ, doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài.

Tin khác

Phiên bản di động