Chương trình OCOP: Nâng tầm thương hiệu nông sản đất Tổ Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Phú Thọ 2 sản phẩm OCOP của Phú Thọ đạt danh hiệu 5 sao |
Từ sản xuất nhỏ lẻ đến hàng hóa quy mô lớn
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Triển khai từ năm 2018, chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh. Các địa phương đã tích cực tìm kiếm, lựa chọn những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, truyền thống có thế mạnh để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP.
Quá trình sản xuất ngày càng được định hướng theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị có thị trường ổn định, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân.
![]() |
Tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực. Ảnh: Hải Yến |
Để nhân rộng và phát triển chương trình OCOP, các cấp, các ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Các chủ thể tham gia chương trình được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao, xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cũng được tăng cường. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chủ thể, đặc biệt là các hợp tác xã, tham gia chương trình và có nhiều sản phẩm đạt chuẩn.
Chương trình OCOP không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế vùng nông thôn mà còn có những đóng góp không nhỏ về mặt xã hội. Quy mô lao động ngày càng tăng lên, đa dạng thành phần, trong đó có 30% chủ thể là nữ và 14% chủ thể là người dân tộc thiểu số.
OCOP đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về mặt thương mại. Các sản phẩm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm, góp phần gia tăng giá trị, giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Theo thống kê, tỷ lệ chủ thể gia tăng quy mô hoặc sản lượng sau khi được công nhận OCOP chiếm 55%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29%, tỷ lệ sản phẩm OCOP tăng giá bán sau khi được công nhận là 50,53%, mức tăng bình quân về giá là 15,7%.
Các sản phẩm OCOP Phú Thọ được ngành chức năng, địa phương cùng các chủ thể quan tâm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ. Điều này giúp các chủ thể OCOP tiếp cận và hiểu được nhu cầu của thị trường để từ đó nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm và cải tiến mẫu mã. Những năm gần đây, các sản phẩm OCOP Phú Thọ không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trong nước.
Bài toán phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP
Cùng với những kết quả tích cực, việc phát triển sản phẩm OCOP Phú Thọ vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Thực tế cho thấy, mặc dù số lượng sản phẩm OCOP phát triển nhanh chóng, nhưng tính bền vững chưa được đảm bảo do nhiều yếu tố.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết đúng về chương trình ở một số địa phương còn chưa sâu, dẫn đến việc thiếu chủ động trong tổ chức triển khai. Hiện vẫn còn 73/207 xã, phường, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP, ở một số địa phương, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP còn thấp.
Các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP tương tự nhau, sản phẩm thì nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm OCOP chưa cao. Hầu hết các sản phẩm OCOP chỉ đạt ở mức 3 sao hoặc 4 sao, toàn tỉnh chỉ có 3 sản phẩm 5 sao. Một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa phát huy được hiệu quả bền vững, số sản phẩm đến thời hạn đánh giá lại, với nhiều lý do khác nhau không được các chủ thể làm hồ sơ công nhận lại chiếm tỷ lệ khá cao 54,5% (30/55 sản phẩm không được chủ thể làm hồ sơ công nhận lại).
Một số sản phẩm chưa được chú trọng về mẫu mã, bao bì, chất lượng nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối. Cùng với đó, một số chủ thể OCOP chưa chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nên số lượng sản phẩm tiêu thụ chưa nhiều, chủ thể khó duy trì sản xuất. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình OCOP còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định.
Theo đó, các địa phương cần đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP. Đồng thời thường niên tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng quy định không chạy theo số lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.
![]() |
Sản phẩm OCOP Phú Thọ được giới thiệu, quảng bá tại chương trình Không gian “Sắc Xuân Đất Tổ”. Ảnh: Lan Lan |
Tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ đánh giá và phân hạng sản phẩm; nâng cấp, tiêu chuẩn hoá và phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu, ấn phẩm quảng bá, website; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP...), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu đầu tư hệ thống nhận diện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nhằm cải thiện, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, nhất là hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, phát triển các điểm giới thiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, gắn với các hoạt động kết nối các chương trình du lịch dịch vụ. Đẩy mạnh triển khai hoạt động số hóa đối với các sản phẩm OCOP nhằm theo dõi truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả...
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Phú Thọ có 306 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 47 sản phẩm hạng 4 sao và 256 sản phẩm hạng 3 sao. Hiện có 220 chủ thể gồm 107 tổ hợp tác/hợp tác xã, 31 doanh nghiệp và 82 hộ/cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP; 152/207 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP; 3 huyện Yên Lập, Thanh Thủy và Lâm Thao đạt 100% số xã có sản phẩm OCOP. |