Thứ hai 05/05/2025 10:15

Ninh Bình: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới

Các sản phẩm OCOP tại tỉnh Ninh Bình đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhờ đó đã góp một phần lớn để xây dựng nông thôn mới tại địa phương này.
Sơn La: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Mộc Châu Hà Nội: Thêm 108 sản phẩm OCOP đạt 4 sao Vĩnh Phúc tập trung phát triển sản phẩm OCOP

OCOP Ninh Bình “cất cánh”

Ninh Bình là một địa phương có nhiều đặc sản tiêu biểu, từ đó các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của Ninh Bình qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 209 sản phẩm OCOP, trong đó, có 67 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Ninh Bình.

Chương trình này cũng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh Ninh Bình.

ocop ninh bình

Khách du lịch trải nghiệm sản xuất lá bồ đề, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Sinh Dược. Ảnh: Cộng tác viên

Các chủ thể OCOP khi tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn về quản trị sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, còn có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Nhờ đó các sản phẩm OCOP đã có thêm cơ hội tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thêm động lực hồi sinh những nét độc đáo riêng của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, ngay từ đầu năm 2019, khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình đã xác định phải phát triển các sản phẩm là đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người Ninh Bình.

ocop ninh bình
Các sản phẩm OCOP Ninh Bình đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Cộng tác viên

Một trong các giải pháp chủ yếu để OCOP Ninh Bình “cất cánh” đó là công tác xúc tiến thương mại. Do vậy công tác này luôn được tăng cường quan tâm chỉ đạo, đặc biệt có nhiều đổi mới sáng tạo mang lại những hiệu quả rõ nét.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đã tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh Ninh Bình. Khi tham gia các sự kiện trên, OCOP Ninh Bình đã có thêm cơ hội được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Một số sự kiện nổi bật như tổ chức gian hàng trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ Kỷ niệm 10 năm danh thắng Tràng An được Unesco công nhận là di sản thế giới; sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, tham gia lễ hội sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; Hội chợ Quốc tế thương mại, Du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông tây - Đà Nẵng năm 2024,...

ocop ninh bình
Cơm cháy, một sản phẩm đặc sản của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Cộng tác viên

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Mục tiêu 2025, tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP (ưu tiên sản phẩm 4 và 5 sao) gắn với phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới từ nông nghiệp, nông thôn.

OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới

Việc các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ cũng tạo cơ hội giúp người dân tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững; đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới bằng cách phát triển kinh tế địa phương gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.

ocop ninh bình
Các sản phẩm OCOP đã tạo sinh kế, giúp người dân nâng cao thu nhập, qua đó góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Cộng tác viên

Ngoài ra, chương trình này còn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nâng cao kỹ năng sản xuất và kinh doanh, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Kinh tế phát triển từ OCOP giúp tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp tích cực vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, việc phát triển các làng nghề và khu vực nhà sản xuất tập trung cũng thúc đẩy phát triển về cơ sở hạ tầng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển bền vững.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 huyện (Yên Khánh, Yên Mô) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 65/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có trên 542 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo kế hoạch năm 2025, tại Ninh Bình sẽ có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình OCOP tại Ninh Bình đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn bảo tồn giá trị văn hóa và đặc biệt là thúc đẩy du lịch phát triển. Với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực của các chủ thể, OCOP Ninh Bình đang từng bước khẳng định vị trí trên bản đồ Việt Nam. Trong thời gian tới, việc tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc sản gắn kết với du lịch hứa sẽ tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tin khác

Phiên bản di động