Thứ sáu 29/11/2024 03:22

Lợn đen huyện vùng cao Đà Bắc, sản phẩm được thị trường đón nhận

Người dân ở huyện vùng cao Đà Bắc (Hoà Bình) nhờ nuôi lợn đen bản địa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được thị trường đón nhận.
Hòa Bình gia tăng giá trị nông sản qua sàn thương mại điện tử Đối ngoại vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển Hoà Bình: Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu

Tăng thu nhập nhờ nuôi lợn đen

Huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình có đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Dao... cùng sinh sống với văn hóa ẩm thực độc đáo. Trong đó, một số món ăn được chế biến từ thịt lợn đen bản địa như: Thịt lợn luộc chấm hạt dổi, thịt nướng hạt dổi hay xương lợn nấu cây chuối rừng… được người dân nơi đây và du khách ưa thích.

Lợn đen bản địa là giống lợn cho chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa bàn vùng cao, nơi có diện tích chăn thả và nguồn thức ăn dồi dào. Với huyện vùng cao Đà Bắc, trước đây, lợn thường được nuôi thả rông khắp vườn, đồi, chủ yếu để cải thiện chứ chưa được coi như vật nuôi đem lại nguồn thu nhập. Mấy năm trở lại đây, giá lợn đen luôn duy trì ở mức cao, thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ ở Đà Bắc đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen bản địa.

Đặc sản lợn đen ở huyện vùng cao Đà Bắc
Người dân ở huyện vùng cao Đà Bắc nhờ nuôi lợn đen bản địa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được thị trường đón nhận.

Ở xã Đoàn Kết (huyện Đà Bắc), việc nuôi lợn đen bản địa đang là hướng phát triển kinh tế được người dân chú trọng. Hiện nhiều hộ chăn nuôi với quy mô vài chục con. Như gia đình ông Lò Văn Ân (xóm Khem) nuôi 5 con lợn nái và hàng chục lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt

Ông Ân chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chỉ nuôi 1 - 2 con nái, sau khi nái sinh sản được bao nhiêu con thì để nuôi. Gia đình tận dụng khoảng vườn sau nhà để thả lợn. Sau thời gian nuôi từ 7, 8 tháng đến 1 năm tuổi thì xuất bán, giá luôn ổn định trên 100 nghìn đồng/kg. Nhận thấy nhu cầu thị trường cao, giá ổn định nên tôi xây dựng khu chăn nuôi lợn đen với số lượng từ 5 - 6 nái. Hiện nay, giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình”.

Đặc sản lợn đen ở huyện vùng cao Đà Bắc
Lợn đen bản địa ở Đà Bắc, Hoà Bình chất lượng thịt thơm ngon nên rất hút khách

Còn chị chị Xa Thị Lan (34 tuổi, dân tộc Tày), trú tại xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc kể: “Năm 2015, tôi mua 3 con lợn đen nái về nuôi, nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên mỗi năm đàn lợn cho hai lứa, mỗi lứa trung bình đàn lợn đẻ được 8 - 10 con lợn con. Sau 8 tháng chăm sóc, tôi xuất bán 30 con lợn thịt thu về gần 50 triệu đồng.

Đặc sản lợn đen ở huyện vùng cao Đà Bắc
Chị Xa Thị Lan đã thành công nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa ở xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc

Theo chị Lan, để tạo chất lượng đầu ra cho sản phẩm, chị tuyệt đối nói không với thức ăn công nghiệp. Khẩu phần ăn hàng ngày của lợn đều từ những thứ có trong tự nhiên hoặc do gia đình trồng trọt được như ngô, chuối, sắn. đặc biệt, bí quyết để gia đình chị xuất chuồng những lứa lợn chất lượng nằm ở một loại thực vật mà người dân ở Đồng Chum hay gọi bằng cái tên là cây chè khổng lồ.

Cây chè khổng lồ có lượng protein thô khoảng 15 - 22%, cao gấp khoảng 2 lần cỏ, hàm lượng canxi, chất xơ và vitamin cũng cao hơn so với các loại cây thức ăn khác. Lợn nếu bị tiêu chảy ăn vào rất tốt. Chị Lan thường cho lợn ăn chè khổng lồ để tăng sức đề kháng, chống chọi với dịch bệnh. Với cách nuôi bán chăn thả, những con lợn của gia đình chị Lan đều cho chất lượng thịt thơm ngon nên rất hút khách. Mỗi lứa lớn từ khi còn nhỏ đều đã được các đầu mối gọi điện đặt hàng và chưa năm nào gia đình chị cung cấp đủ nguồn hàng cho các đầu ra ở Hòa Bình và Hà Nội.

Xây dựng thương hiệu lợn đen Đà Bắc

Chị Hà Thị Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Cương Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc) cho biết, tháng 8/2022 Hợp tác xã được thành lập với 17 thành viên. Điều tạo nên sự khác biệt của thịt lợn đen bản địa Tân Minh đến từ giống lợn và cách chăm sóc, giống lợn bản địa được bà con giữ gìn nguồn gen qua thời gian.

Sau khi con giống được chọn lọc kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn sẽ được nuôi thành lợn thương phẩm. Trung bình 1 lứa lợn nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, thức ăn chủ yếu là cây chuối trộn với ngô, sắn nấu thành cám. Vì vậy, thịt lợn bản địa có mùi thơm, ngậy nhưng không béo do có mỡ đặc trưng.

Hiện, quy mô nuôi lợn đen của Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh có khoảng 200 con/lứa. Hợp tác xã liên kết với 25 hộ dân trong xã để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Theo đó, các hộ vệ tinh ký cam kết với Hợp tác xã đảm bảo về nguồn giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Hợp tác xã sẽ đảm bảo thu mua lợn thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg.

Với quyết tâm duy trì và phát triển thương hiệu lợn đen bản địa Tân Minh, năm 2022, Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh quyết tâm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm lợn đen bản địa Tân Minh để tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống lò mổ khang trang cùng trang thiết bị bảo quản, máy hút chân không để đảm bảo thịt lợn luôn tươi ngon đến tay khách hàng, kể cả khách hàng ở xa. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch rõ ràng. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã tiêu thụ khoảng 5 tạ lợn thương phẩm.

Theo chị Tâm, hiện nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng các tỉnh, thành phố rất lớn. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Trung bình dịp Tết tiêu thụ hơn 100 con lợn đen, sau khi sản phẩm lợn đen bản địa Tân Minh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì thị trường sẽ được mở rộng. Do đó, Hợp tác xã mong muốn liên kết với các Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết ngành lợn đen của tỉnh, đảm bảo nguồn cung cho thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh đánh giá, mô hình nuôi lợn đen bản địa đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để lợn đen thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã mong muốn chính quyền các cấp, sở, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ điều kiện tốt nhất giúp người dân ổn định sản xuất.

Đặc sản lợn đen ở huyện vùng cao Đà Bắc
Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình thăm quan gian hàng sản phẩm lợn đen của Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó quyết tâm xây dựng thương hiệu lợn đen Đà Bắc trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp bà con giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tin khác

Phiên bản di động