Bài cuối: Kỳ vọng sâm Ngọc Linh trở thành Thương hiệu quốc gia và mở ra hành trình mới Xây dựng thương hiệu, khai thác dư địa thị trường Anh |
Nông sản Hoà Bình liên tiếp xuất ngoại
Đầu tháng 12/2023, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, lô bưởi Diễn đầu tiên trong số 3 lô với đơn hàng 48 tấn bưởi Diễn sang thị trường Hoa Kỳ đã được vận chuyển lên xe container, đưa đến cảng để sang thị trường Hoa Kỳ.
Đây là năm thứ hai tỉnh Hòa Bình xuất khẩu bưởi Diễn nhưng đã có sự khác biệt đáng kể so với thời điểm tháng 12/2022.
Năm ngoái, Hòa Bình chỉ xuất được một container để chào hàng sang thị trường Vương Quốc Anh, đến năm nay đã có thêm hợp đồng đến từ một số nước EU. Đặc biệt, 3 đơn hàng đến từ thị trường Hoa Kỳ đã khẳng định được việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh sản lượng xuất khẩu mặt hàng nông sản của Hòa Bình.
Bưởi Diễn Hoà Bình đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia |
Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng của bà con nông dân, các hợp tác xã trồng bưởi, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Không chỉ trái bưởi Diễn mà liên tiếp trong năm 2022, 2023, nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình được xuất khẩu thành công sang châu Âu, đem lại lợi nhuận cao như: Mía tươi Tân Lạc, măng tươi Kim Bôi, cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy, chè sông Bôi, bưởi đỏ Tân Lạc… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản tỉnh Hòa Bình, tăng thu nhập cho người dân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết, sau khi lô hàng được xuất khẩu thành công sang thị trường Anh, địa phương đã nhận được phản hồi từ phía đơn vị thu mua rằng sản phẩm bưởi Diễn của Hòa Bình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm của hàng hóa các nước khác, chất lượng được đánh giá cao.
“Việc xuất khẩu thành công các sản phẩm địa phương ra nước ngoài không chỉ giúp nâng cao giá trị cho nông sản mà còn khẳng định chủ trương chuyển đổi sang cây trồng có múi của địa phương đang đi đúng hướng”, ông Nguyễn Xuân Thuỷ nói.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả có múi đã được xã Ngọc Lương thực hiện bằng cách quy hoạch các vùng sản xuất để chuyển đổi cho người dân từ cây hàng năm không hiệu quả sang là cây bưởi diễn. Hiện nay, diện tích bưởi Diễn của xã vào khoảng hơn 500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 300 ha. Đây cũng là sản phẩm được chú trọng xây dựng thương hiệu bằng việc xin cấp nhãn hiệu tập thể bưởi Diễn Yên Thủy từ năm 2019
Tính chung cả tỉnh, hiện cây bưởi đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình; trong đó diện tích bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 3.200ha, chiếm gần 60% diện tích bưởi và chiếm 31% tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh. Sản lượng bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 52.000 tấn. Những vùng trồng bưởi Diễn tập trung nhất ở Yên Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi.
Chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, bên cạnh việc được cấp nhãn hiệu tập thể từ năm 2019, các xã trồng nhiều bưởi Diễn của huyện Yên Thuỷ - thủ phủ cây có múi của Hoà Bình như Ngọc Lương, Đoàn Kết, thị trấn Hàng Trạm đã chú trọng xin cấp chứng nhận VietGAP và được công nhận là sản phẩm OCOP.
Sản phẩm cam Cao Phong được bán ở siêu thị Longdan (Anh) |
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Các cấp Hội đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, OCOP gắn với xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả; các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình hội viên, nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động…
Hội Nông dân đã hỗ trợ hội viên tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường; ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel chi nhánh Hòa Bình lựa chọn các hộ có sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tập huấn hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Hội duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn được hỗ trợ thành lập tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm OCOP, nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; phối hợp hỗ trợ nông dân sử dụng 750.000 tem truy xuất thông tin và 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, gần 3.000 sản phẩm nông sản, OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 284 sản phẩm lên sàn Voso.vn; hơn 1.000 tấn nông sản các loại của hội viên nông dân được kết nối, hỗ trợ tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hòa Bình còn không ngừng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, diễn đàn, hội chợ như: Chương trình xúc tiến thương mại tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan; Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU; Hội chợ quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài…
Ngoài ra, ngành nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng đạt các tiêu chí chất lượng của các địa phương trong tỉnh, từng bước đưa nông sản địa phương vươn tầm xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức…
Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thị trường xuất khẩu hàng hóa mà tỉnh định hướng là các nước: Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi Hoà Bình nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, có thể thấy rằng công tác xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,22 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp của các sản phẩm miền núi như nhãn, xoài, vải, cam, bưởi…
“Trong bức tranh đó, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.