Thứ bảy 21/12/2024 18:23

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nở rộ trên môi trường thương mại điện tử đang trở thành vấn nạn đau đầu đối với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Kiểm soát hàng bán online qua chuyển phát nhanh: Khó do đâu? Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Đây là một trong những nội dung nổi bật được trao đổi tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, do Tạp chí Hải quan tổ chức cuối tuần qua, tại TPHCM.

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh
Doanh nghiệp hướng dẫn các đại biểu phân biệt hàng thật, hàng giả tại Tọa đàm ngày 6/12/2024. Ảnh: T.H

Doanh nghiệp "đau đầu" vì hàng giả

Theo các diễn giả sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang đặt ra không ít thách thức cơ quan quản lý tại cửa khẩu, trong đó có cơ quan Hải quan trong việc thực thi nhiệm vụ ngăn chặn hàng giả, hàng lậu. Trong đó, hàng giả trong những kiện hàng nhỏ giao dịch qua TMĐT đang là vấn đề nổi cộm gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hằng, Công ty Luật HOAMI, đại diện các nhãn hàng Apple, Chanel, Canon… cho biết, thời gian qua, Apple đã phối hợp ngăn chặn được nhiều vụ việc hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại khu vực Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là hàng hóa bắt giữ được đều là các gói hàng nhỏ gửi qua đường chuyển phát nhanh.

Tương tự, Luật sư Vũ Thị Huyền, Giám đốc Công ty THB cũng nêu lên hiện tượng hàng giả sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài bằng cách chia nhỏ số lượng hàng hóa để gửi cho nhiều cá nhân khác nhau. Sau đó, tại nước nhập khẩu, các đối tượng gom các đơn hàng nhận được để tập hợp thành một số lượng lớn hàng hóa.

Từ thực trạng đó, đại diện các nhãn hàng bày tỏ lo ngại về tình trạng lợi dụng phương thức chuyển phát nhanh, TMĐT để vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các đơn vị này cũng mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này trong thời gian tới đối với cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu.

Ông Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH T&G cho biết, thực tế việc bán hàng giả trên các nền tảng TMĐT, ngay cả những nền tảng uy tín nhất, không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Vấn đề hàng giả không chỉ dừng lại ở một số mặt hàng tiêu dùng thông thường mà còn lan sang các lĩnh vực quan trọng như thực phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm. Việc phát hiện và xử lý hàng giả trên các sàn TMĐT khó khăn hơn so với các cơ sở kinh doanh truyền thống vì người tiêu dùng không thể trực tiếp kiểm tra sản phẩm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng thông minh, cẩn trọng hơn khi mua hàng.

Điều này đòi hỏi Chính phủ và chính các nền tảng TMĐT phải tăng cường trách nhiệm, ban hành các quy định rõ ràng hơn và triển khai những công cụ hiệu quả để hạn chế hàng giả, hàng nhái. Các nền tảng cần xây dựng các bộ lọc mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ với chủ sở hữu thương hiệu nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng là người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng từ các cửa hàng chính hãng hoặc những địa chỉ uy tín, tránh “ham rẻ” khi gặp những sản phẩm có giá bán thấp bất thường. Các nền tảng TMĐT cần cung cấp công cụ để người tiêu dùng báo cáo hoặc cảnh báo về các trường hợp nghi ngờ hàng giả. Cùng với sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng và ý thức tiêu dùng thông minh, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ góp phần xây dựng một thị trường minh bạch và lành mạnh hơn trong tương lai.

Ngăn chặn ngay từ cửa khẩu

Ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4), Cục Điều tra chống buôn lậu cũng cho biết, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản thời gian qua đã ghi nhận số lượng vụ việc rất lớn liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ theo phương thức chuyển phát nhanh. Tại Việt Nam, ông Linh cũng thừa nhận do hành lang pháp lý đối với loại hình này gần như không có, nên có tình trạng “chẻ bill” để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, cùng với sự phát triển của TMĐT, số lượng vụ việc hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường này bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ đã tăng rất cao, năm sau cao hơn năm trước.

Từ góc độ cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Phạm Như Hà, Phó Trưởng Phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan nhìn nhận, cơ chế xử lý và thủ tục kiểm tra, giám sát liên quan đến hàng chuyển phát nhanh và TMĐT xuyên biên giới hiện đang là vấn đề nóng.

Theo đó, mặc dù vừa được sửa đổi vào năm 2020, nhưng hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo về việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 13/2015/TT-BTC theo hướng đưa ra những quy định liên quan đến quy trình cụ thể về kiểm tra, giám sát, tạm dừng đối với hàng hóa gửi qua đường chuyển phát nhanh và TMĐT. Cùng với đó là việc nghiên cứu, tham mưu cho các cơ quan pháp luật có liên quan về việc xử phạt đối với các hình thức vi phạm này.

Liên quan đến việc ngăn chặn hành vi xuất khẩu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bà Hà thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Hải quan đều quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan là kiểm tra, giám sát đối với cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Mặc dù chưa có quy định về xử lý đối với hàng xuất khẩu vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng thời gian qua cơ quan Hải quan vẫn thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Khi phát hiện vi phạm sẽ chuyển thẩm quyền cho các lực lượng khác như Công an, Quản lý thị trường… để xử lý về những hành vi có liên quan như sản xuất, buôn bán, vận chuyển.

Từ đầu năm 2024, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TPHCM đã tăng cường triển khai kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hoá gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh khai báo trị giá thấp; đã tạm giữ gần 30 kiện hàng có nghi vấn chứa hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều trường hợp cơ quan chức năng khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Do đó, đại diện cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ… đều mong muốn nhận được sự đồng hành, phối hợp của các đơn vị chủ thể quyền.

Sáng 6/12/2024, tại TPHCM, Tạp chí Hải quan tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”. Tọa đàm đã thu hút trên 100 khách mời là doanh nghiệp, diễn giả, hiệp hội, cơ quan Hải quan, quản lý thị trường và đại diện cơ quan báo chí tham dự. Tạp chí Hải quan xin trích một số ý kiến tại Tọa đàm này.

Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan: Nổi lên tình trạng nhiều mặt hàng buôn lậu giá trị cao

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Nhiều loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa khan hiếm trên thị trường như khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, hàng lậu, phụ tùng xe đạp, xe máy… có chiều hướng gia tăng mức độ phức tạp trên các tuyến, địa bàn trong cả nước và cả trên không gian mạng.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian gần đây cũng ghi nhận tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Sendo...), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS, Apple…

Ông Trần Kỳ Lân, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TPHCM: Có vụ xâm phạm quyền SHTT đã chuyển cho Công an điều tra

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Trong thời gian qua, công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Hải quan TPHCM. Nhờ chủ động nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền SHTT. Không chỉ đối với những hàng nhập khẩu, ngay cả với hàng xuất khẩu chúng tôi cũng quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ và đã phát hiện những vụ việc vi phạm, có vụ vi phạm nghiêm trọng đã được Hải quan TPHCM chuyển hồ sơ cho Công an điều tra, xử lý theo quy định.

Qua các vụ vi phạm bị phát hiện cho thấy, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được làm rất tinh vi, bằng mắt thường cơ quan Hải quan cũng rất khó phát hiện, chính vì thế, rất cần các chủ thể quyền hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến nhãn hàng cho cơ quan Hải quan.

Bên cạnh sự chủ động kiểm tra, kiểm soát, cơ quan Hải quan rất mong muốn nhận được sự hợp tác của các chủ thể quyền. Cụ thể, chủ các nhãn hàng cần phản hồi thông tin kịp thời khi cơ quan Hải quan gửi công văn trao đổi thông tin về dấu hiệu nghi vấn hàng hóa XNK vi phạm.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường: Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền SHTT

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Có thể dễ dàng nhận thấy, gần như bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT. Hàng giả không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào, công nghệ sản xuất hiện đại, cơ quan chức năng khó phân biệt hàng thật, hàng giả.

Với hàng giả sản xuất tại nước ngoài, phần lớn đều là những loại hàng giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng có nhãn mác nổi tiếng giống y hàng thật, rất khó phát hiện.

Từ thực tế trên, ngoài việc thực thi của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp, thực hiện đầy đủ các quy định về công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật; đăng ký mã số, mã vạch… Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng tìm hiểu về Luật SHTT, tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác, hoặc “tự đánh mất thương hiệu của mình”; nắm vững luật pháp về SHTT và quyền xử lý của các cơ quan nhà nước để khởi kiện hoặc tố cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Bà Nguyễn Phạm Như Hà, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan: DN chưa mặn mà hợp tác với cơ quan Hải quan về những lô hàng nhỏ

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Từ góc độ hải quan, chúng tôi nhận thấy có nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra và giám sát hàng hóa được mua bán qua kênh TMĐT. Trước hết, về khung pháp lý, cơ quan Hải quan hiện tại chưa xây dựng được một nền tảng pháp lý đầy đủ để giám sát hàng hóa giao dịch theo hình thức TMĐT xuyên biên giới, đây là một hạn chế lớn. Hơn nữa, do giá trị lô hàng nhỏ, các chủ sở hữu quyền hoặc người ủy quyền hợp pháp thường không mặn mà hợp tác với cơ quan Hải quan để xác định hàng giả hay hàng xâm phạm quyền.

Trước những khó khăn này, Tổng cục Hải quan hàng năm đều xây dựng kế hoạch phòng, chống buôn lậu, hàng giả, và hàng xâm phạm quyền, đặc biệt trong dịp cao điểm cuối năm. Đồng thời, luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác như Quản lý thị trường, Công an và các sở ban ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các lô hàng vi phạm.

Quan điểm của cơ quan Hải quan rất rõ ràng đó là cần chặn đứng hàng hóa vi phạm ngay từ cửa khẩu nhập khẩu để tránh việc chúng lưu thông trên thị trường, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Đối với hàng xuất khẩu, do chưa có chế tài cụ thể về xử lý hành vi xâm phạm quyền, chúng tôi phải phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện. Kết quả công tác năm nay, dù có những số liệu thống kê cụ thể, hiện vẫn đang trong quá trình tổng hợp và sẽ được công bố chính thức khi cần thiết.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TPHCM (Bộ Khoa học và công nghệ): Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ nở rộ trên không gian mạng

Lo lắng hàng giả qua những kiện hàng chuyển phát nhanh

Trên không gian mạng đang có rất nhiều hình thức bán hàng nhưng cũng đang nở rộ hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT. Đáng lo ngại là tình trạng quảng cáo bán hàng thật, nhưng khi giao hàng cho khách lại là hàng giả. Thực tế này cho thấy, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi trong việc né tránh pháp luật. Họ thừa biết làm hàng giả có thể bị xử lý hình sự, nên thường làm nhái thay đổi một 1-2 chi tiết trên sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng.

Trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng tập trung vào nhiều giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần giải quyết ba vấn đề lớn. Thứ nhất, hệ thống pháp luật cần sửa đổi để phù hợp với thực tế, như Luật SHTT và các nghị định liên quan. Thứ hai, cần sự phối hợp tích cực từ doanh nghiệp trong việc hỗ trợ xử lý các vụ vi phạm, vì việc xác định chủ sở hữu và nhận diện hàng giả hiện rất khó khăn. Thứ ba, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động giám sát, quản lý, bởi địa bàn rộng và lực lượng chức năng hạn chế. Nếu thiếu sự đồng bộ này, việc thực thi bảo hộ quyền SHTT sẽ gặp nhiều thách thức.

Nhóm PV (ghi)

Tin khác

Phiên bản di động