Thứ bảy 23/11/2024 16:36

Giá trị cốt lõi là “thước đo” khẳng định uy tín, vị thế của Thương hiệu Quốc gia

Trong thời đại có nhiều thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng...
Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 Bài 2: Xây dựng thương hiệu: Nút thắt do đâu? Xây dựng thương hiệu mạnh: Gia tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu

Triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa

Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và THQG.

Giá trị cốt lõi là “thước đo” khẳng định uy tín, vị thế của Thương hiệu Quốc gia

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Tuần lễ THQG Việt Nam và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam năm 2024

Chào mừng kỷ niệm 16 năm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2024), Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp triển khai Tuần lễ THQG Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 đến ngày 21/4/2024, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Trong đó, nổi bật là Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam gửi tới cộng đồng doanh nghiệp nhằm động viên và khích lệ các doanh nghiệp tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia.

Phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tuyên truyền theo hình thức trực quan: Treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền về Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và Tuần lễ THQG Việt Nam tại các tỉnh/thành trên cả nước.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông như: Website của Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến Thương mại (XXTM); fanpage, facebook... và sử dụng dịch vụ nhân rộng truy cập (SEO) trên Internet; thực hiện bài viết trên một số báo giấy, báo điện tử; thực hiện phóng sự về Tuần lễ THQG trên Đài Truyền hình Việt Nam; treo pano, banner tại trụ sở Bộ Công Thương (tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng)...

Đặc biệt, ngày 16/4, Cục XTTM tổ chức thành công Lễ khai mạc Tuần lễ THQG 2024 và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2024 theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) tại Hà Nội, cùng với hoạt động bên lề là Triển lãm ảnh thành tựu THQG Việt Nam.

Tuần lễ THQG 2024 diễn ra trong bối cảnh những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Qua đó, nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.

Trên cơ sở đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt. Đây cũng là một trong những lưu ý quan trọng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đưa ra trong ngày đầu tiên tổ chức Tuần lễ THQG năm 2024.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, giữa lúc tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu suy giảm, lạm phát tiếp tục tăng cao, bất ổn địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hành động để phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm, góp phần đưa đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục nâng cao giá trị THQG trên trường quốc tế.

Thứ trưởng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp THQG Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 16 năm Ngày Thương hiệu Việt Nam, Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam diễn ra thành công với chủ đề "Nâng tầm những giá trị cốt lõi". Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học RMIT (Úc), và một số doanh nghiệp có sản phẩm THQG.

Đây còn là cơ hội để các diễn giả tham dự có thể chia sẻ những thông tin về giá trị cốt lõi của THQG và giải pháp nâng tầm giá trị cốt lõi của THQG; phát huy sức mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm "Made in Vietnam" thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu và đề xuất những định hướng, giải pháp cho Việt Nam.

5 giải pháp xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu

Lãnh đạo Bộ Công Thương kỳ vọng, các hoạt động trên sẽ giúp nâng cao nhận thức trong đại chúng và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình THQG Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam - cho biết, Chính phủ đã phê duyệt 12 nhóm sản phẩm quốc gia Việt Nam. Tại kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022, tổng số có 172 doanh nghiệp với 355 sản phẩm được xét chọn THQG Việt Nam. Đối với sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trong nước và quốc tế, có tổng cộng gần 4.600 sản phẩm đã được bảo hộ trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Minh Chiến nêu ra 5 giải pháp mà Bộ Công Thương đề xuất.

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Thứ ba, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan, trong đó chú trọng các vấn đề cốt lõi là: Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững; kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Cuối cùng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ: THQG, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.

Tin khác

Phiên bản di động