Thứ năm 08/05/2025 18:40

Xôi ngũ sắc: Từ bếp lửa bản làng đến hồn ẩm thực Tây Bắc

Xôi ngũ sắc hội tụ 5 sắc màu thiên nhiên, mang đậm hương vị truyền thống và thông điệp văn hóa, là món ăn không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc.
Lào Cai phê duyệt đề án du lịch trong rừng phòng hộ Sa Pa Sa Pa được chọn là một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới Lào Cai: Sa Pa tổ chức chuỗi các sự kiện lễ hội thu hút du khách

Trong bản đồ ẩm thực vùng cao, nếu phở chua Bắc Hà là món ăn khai vị hấp dẫn thì xôi ngũ sắc chính là biểu tượng giàu màu sắc và ý nghĩa, làm nên thương hiệu ẩm thực đặc trưng của Tây Bắc. Với hương thơm dẻo ngậy của nếp nương, sắc màu rực rỡ từ lá cây rừng và câu chuyện văn hóa truyền thống phía sau, xôi ngũ sắc không chỉ là món ăn, mà còn là tinh thần, là bản sắc.

Xôi ngũ sắc món ngon gắn với thương hiệu ẩm thực TâyBắc
Xôi ngũ sắc nổi bật 5 sắc màu tự nhiên, hương vị truyền thống và thông điệp văn hóa sâu sắc trở thành món ăn không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc. Ảnh: Internet

Món xôi ngũ sắc thường xuất hiện trong mâm cơm ngày lễ, cưới hỏi, tết cổ truyền hay dịp đón khách quý của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng, Mông… Ở Sa Pa, du khách dễ dàng bắt gặp món xôi này tại các khu chợ, quán ăn truyền thống hoặc nhà hàng bản địa. Năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành: Đỏ – Hỏa, xanh – Mộc, vàng – Thổ, trắng – Kim, tím – Thủy. Không chỉ là quan niệm tâm linh, sự phối màu còn thể hiện khát vọng hòa hợp, sinh sôi và no đủ.

Toàn bộ màu sắc của xôi đều được nhuộm tự nhiên: Đỏ từ gấc hoặc lá cơm đỏ, vàng từ nghệ, xanh từ lá gừng, tím từ lá cơm đen. Gạo nếp phải là loại nếp nương dẻo thơm, được ngâm từ 6–8 tiếng, sau đó chia nhỏ từng phần để nhuộm màu rồi mới đem đồ. Người nấu cần kiên nhẫn xếp từng lớp xôi vào chõ theo nguyên tắc: Màu dễ phai ở dưới, màu trắng ở trên cùng. Mỗi mẻ xôi là một “tác phẩm” vừa nghệ thuật vừa tâm linh.

Không giống như những món ăn cầu kỳ về nguyên liệu, xôi ngũ sắc chinh phục thực khách bởi chính sự mộc mạc – nhưng đầy tinh tế trong cách chọn nguyên liệu, phối màu, nấu chín. Khi được bày ra đĩa, 5 màu hòa quyện như một bông hoa núi rừng, không chỉ đẹp mắt mà còn lan tỏa hương thơm ngọt ngào của thảo mộc và gạo mới.

Trong định hướng phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP, xôi ngũ sắc hoàn toàn có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của các huyện miền núi. Tại một số địa phương như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Bảo Lạc (Cao Bằng), xôi ngũ sắc đã được các hợp tác xã, tổ phụ nữ dân tộc đưa vào chế biến, đóng gói hút chân không và giới thiệu tại hội chợ, gian hàng OCOP toàn quốc. Đây là hướng đi thiết thực giúp nâng tầm món ăn truyền thống, vừa giữ gìn bản sắc, vừa tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tin khác

Phiên bản di động