Thứ sáu 22/11/2024 19:59

Xây dựng thương hiệu dược liệu và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu

Với trên 5.100 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một ngành kinh tế và thậm chí hướng tới xuất khẩu dược liệu.
Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Đa dạng nguồn dược liệu

Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu dược liệu tới nhiều nước trên thế giới.

Xây dựng thương hiệu dược liệu và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu
Tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác bảo tồn cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia

Nhiều đơn vị trong nước đã đầu tư để nuổi trồng và phát triển dược liệu theo liên kết chuỗi quy mô công nghiệp, hướng tới sản xuất dược liệu theo hướng chuyên canh, tạo thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường theo vùng miền. Tuy nhiên, nhiều đơn vị nuôi trồng dược liệu còn lúng túng vì chưa tiếp cận được với các đơn vị kinh doanh, phân phối và sử dụng trong và ngoài nước.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Điển hình trong xây dựng thương hiệu ngành dược liệu là cây sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh là một trong những loại dược liệu đặc biệt quý hiếm, chỉ trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum mới đủ điều kiện về thổ nhưỡng, chất đất có nhiều vi khoáng đặc biệt cho sâm phát triển. Nhằm bảo vệ và đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn xa, tháng 8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh cũng đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam và đưa vào danh mục cấm khai thác, thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện công tác bảo tồn cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn xa ra thị trường thế giới.

Tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu

Để phát triển vùng dược liệu và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu.

Theo đó, ngày 10/5, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3175/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu.

Nội dung văn bản nêu rõ, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả thực hiện Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Các Bộ trên khẩn trương rà soát, hoàn thiện trong tháng 5/2024 các quy định liên quan của Bộ, bảo đảm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định nhằm khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sản xuất được.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Công điện nêu: Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021.

Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc, tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.

Tin khác

Phiên bản di động