Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng |
Là một doanh nghiệp khá thành công trong việc xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, ông Lý Huy Sáng - Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long - chia sẻ, từ năm 1996 công ty đã chuyển từ việc dùng gỗ để nung gốm sang điện. Từ đó, doanh nghiệp giảm 60% phát thải khí nhà kính. Đồng thời, trong quá trình sản xuất công ty cũng tái chế lại nguyên liệu và toàn bộ phụ phẩm.
Để bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen người tiêu dùng chuyển từ sử dụng chai nhựa đựng nước uống sang bình gốm, doanh nghiệp sắp cho ra mắt sản phẩm bình gốm đựng nước, được thiết kế với nhiều hoa văn, hình ảnh lịch sử, văn hóa, đặc trưng vùng miền cả nước. Công ty phối hợp với các trường học để tổ chức cuộc thi vẽ và chọn những bức ảnh đạt giải in trên các bình gốm, tặng cho các trường học.
Theo ông Lý Huy Sáng, để xây dựng doanh nghiệp thương hiệu bền vững đầu tiên doanh nghiệp phải có chủ ý tốt, quan tâm tới cộng đồng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm thì khách hàng mới ủng hộ. Nếu được khách hàng tin tưởng ủng hộ doanh nghiệp mới phát triển bền vững, trường tồn.
Dù vậy, với công ty, vấn đề sở hữu trí tuệ là thách thức của doanh nghiệp. “Hàng ngàn sản phẩm của Minh Long đều có bản quyền nhưng khảo sát thị trường, nhất là phía Bắc hay làng Bát Tràng hàng nhái rất nhiều”, ông Sáng nói.
Còn theo bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thiên Long, cách đây hơn 10 năm Thiên Long đã sản xuất các sản phẩm như tấm bảng đen, bút bi, các tấm pallet dùng trong nhà máy... từ nhựa tái chế. Tuy nhiên, hàng loạt các vấn đề như làm thế nào tiết giảm chi phí, làm sao cho sản phẩm đẹp hơn, thông điệp ra thị trường thế nào để người tiêu dùng biết được đây là sản phẩm xanh.
Chưa kể học sinh thích sản phẩm đẹp, phụ huynh muốn mua sản phẩm giá tiền phù hợp, chất lượng an toàn và điểm bán muốn bán sản phẩm giá rẻ... đây là bài toán khó giải. Và để có được các sản phẩm xanh công ty "trả giá", khi nhiều lần cho ra sản phẩm không đúng như mong đợi, sản phẩm không đẹp trong khi tốn nhiều chi phí đầu tư.
Không những vậy, gần đây, tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam nhiều, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử khiến doanh nghiệp chật vật trong cuộc cạnh tranh này. Bên cạnh việc đối mặt với sức mua thị trường giảm, cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc. Hàng hóa của công ty còn bị làm giả ngày càng nhiều cũng là thách thức rất lớn.
Cũng theo bà Nga, việc xây dựng thương hiệu bền vững là câu chuyện dài. Đối với doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là thách thức bởi để đầu tư phát triển bền vững cần có nguồn lực tài chính vững mạnh.
Thương hiệu bền vững sẽ dẫn dắt thay đổi thói quen người tiêu dùng. Dù vậy, theo ông Phil Worthington - Giám đốc Khách hàng Cấp cao MetrixLab, mặc dù, người tiêu dùng có hiểu biết và tiếp nhận tốt về các vấn đề bền vững, thậm chí sẵn sàng trả nhiều hơn cho các thương hiệu thực hiện tốt điều này. Nhưng hãy lưu ý khoảng cách giữa “giá trị - hành động” khi chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường. Vì vậy, các thương hiệu cần nhớ điều này và hiểu được bối cảnh của các yếu tố mua hàng khác thúc đẩy quyết định mua sắm. Doanh nghiệp đừng chỉ nói “chúng tôi bền vững” trong khi người tiêu dùng cần một lý do để mua.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lý Huy Sáng cho rằng, khoảng cách giữa hành vi và quyết định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng đó chính là giá cả. Do đó, nhà sản xuất luôn suy nghĩ làm sao tạo sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường, nhưng phải có giá thành phù hợp.
Còn theo bà Trần Tuệ Tri - Đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose cho biết, thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt đang quan tâm nhưng vẫn còn loay hoay về xây dựng thương hiệu bền vững. Tuy nhiên, đầu tiên doanh nghiệp tạo ra giá trị cốt lõi, sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Yếu tố bền vững không chỉ về môi trường, xã hội mà chính người lao động của doanh nghiệp đó.