Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023: Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng Doanh nghiệp lập mới chạm kỷ lục và niềm tin của nhà đầu tư |
Kinh tế hồi phục
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có báo cáo phân tích “triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024”.
Theo KBSV, năm 2023 kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh khiến chỉ số VN-Index không thể bứt phá dù được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ hồi phục trở lại lên quanh mức 6%, tạo tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp niêm yết lấy lại xu hướng tăng trưởng về lợi nhuận với mức tăng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) trên 16%.
Đồng thời, những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, lãi suất hạ nhiệt, vướng mắc pháp lý dần được gỡ rối, thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch thông tin hơn với khối lượng phát hành khởi sắc, kết hợp với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ là các yếu tố chính giúp thị trường bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư chưa thể khôi phục lại sau năm 2022 đổ vỡ, cùng quan điểm thận trọng từ hoạt động cho vay của các ngân hàng khi nợ xấu tăng trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại là 2 yếu tố khiến thị trường bất động sản chưa thể bứt phá. Một điểm đáng lưu ý là nhiều khoản trái phiếu doanh nghiệp đã được gia hạn sẽ đáo hạn lần 2 trong năm 2024. Nếu đầu ra chưa phục hồi thì nguy cơ vỡ nợ sẽ khá cao đối với một số doanh nghiệp bất động sản.
Chính sách tài khoá và tiền tệ tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với dự báo lạm phát và tỷ giá (nếu không xuất hiện các yếu tố "thiên nga đen" bất thường từ bên ngoài) nhiều khả năng không chịu áp lực lớn trong năm 2024 khi mà xu hướng hạ nhiệt lạm phát toàn cầu đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn, trong khi FED được dự báo sẽ đảo chiều chính sách. Do đó, NHNN sẽ có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại. Mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0.75%-1.25% so với mức cuối 2023.
Kinh tế vĩ mô có nhiều khởi sắc sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực |
Chính sách tài khoá mở rộng được kỳ vọng sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 khi mà dư địa còn khá dồi dào. Cụ thể, không chỉ hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, các chính sách miễn giảm thuế cũng đã được triển khai đồng bộ và kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả rõ nét hơn trong năm 2024.
Hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp có diễn biến tích cực trong các tháng gần đây nhưng chưa thể bứt phá. KBSV cho rằng những tăng trưởng là nhờ yếu tố mùa vụ cuối năm, trong khi chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) liên tục dưới 50 điểm cho thấy lo ngại đơn hàng sẽ giảm mạnh sau khi mùa tiêu dùng cao điểm kết thúc. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ vẫn khá khiêm tốn. Dù vậy, nửa sau năm 2024 kỳ vọng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ: Dự báo nhu cầu tại các nền kinh tế mới sẽ phục hồi; các doanh nghiệp sản xuất được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mở rộng.
Vốn đầu tư nước ngoài vẫn là một điểm sáng trong bức tranh vĩ mô của Việt Nam. Các hoạt động quảng bá, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam đã phát huy hiệu quả, bao gồm việc nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, sẽ gián tiếp thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI. Ngoài ra, Việt Nam còn có những lợi thế như tình hình kinh tế, chính trị ổn định, vị trí thuận lợi cho hoạt động đầu tư, số lượng lớn hiệp định thương mại tự do đã ký kết, lực lượng lao động dồi dào, các gói hỗ trợ hấp dẫn, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng… kỳ vọng sẽ thu hút các dòng vốn nước ngoài và đạt được nhiều thành tựu trong năm 2024.
Đặc biệt, chính sách tiền tệ và các biện pháp kích cầu (bao gồm việc gia hạn thời gian giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản…) sẽ phát huy hiệu quả giúp nhu cầu tiêu dùng nội địa hồi phục trở lại. Ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng doanh thu bán lẻ và dịch vụ ổn định qua từng tháng nhưng vẫn thấp hơn trung bình giai đoạn trước dịch Covid-19 là xấp xỉ 14%, cho thấy Việt Nam còn nhiều dư địa và triển vọng hồi phục.
Lãi suất đi ngang và cung tiền mở rộng
Theo quan sát của KBSV, biến động thị trường chứng khoán Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với 2 biến số của thị trường tiền tệ là mặt bằng lãi suất (với đại diện là lãi suất huy động thị trường 1 – thị trường dân cư) và tăng trưởng cung tiền M2 (cung tiền giao dịch cộng với tiền gửi tiết kiệm).
Các giai đoạn cung tiền có mức tăng đột biến, trong khi lãi suất được đánh giá thuận lợi như 2020-2021 hay các năm 2006-2007, 2009, 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam đều ghi nhận các mức tăng đột biến. Bối cảnh ngược lại thường dẫn đến sự sụt giảm sâu của thị trường như vào các năm 2022, 2011, 2008. Điều này là phù hợp về mặt lý thuyết khi mà lãi suất giảm kết hợp với cung tiền tăng là điều kiện lý tưởng để dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán, thúc đẩy mặt bằng cổ phiếu tăng giá, và ngược lại.
Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ và phản ứng kịp thời từ phía NHNN, rủi ro thanh khoản được loại bỏ sau sự kiện đổ vỡ ở SCB – Vạn Thịnh Phát. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng yếu và lạm phát thấp trong năm nay đã tạo điều kiện để lãi suất huy động giảm sâu, trở về mức đáy trong giai đoạn Covid.
Tính đến ngày 26/12/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 5.13%, giảm 2.9% so với đầu năm. Trong đó, Ngân hàng Vietcombank (VCB) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 4.8%, trong khi các ngân hàng quốc doanh khác cũng duy trì trên mức 5%.
Mặt bằng lãi suất huy động đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là về thấp hơn cả thời điểm Covid-19 đối với một số ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay do có độ trễ, mới chỉ giảm khoảng 2% - 2.25% so với đầu năm. Do vậy, việc lãi suất hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường. Mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4.85% - 5.35%. Dù vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0.75% - 1.0%.
Lãi suất đi ngang và cung tiền mở rộng sẽ là nhân tố tác động tích cực lên thị trường chứng khoán |
Tăng trưởng cung tiền M2 trong năm 2023 chỉ 5.6% tính đến hết tháng 9, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân 14%/năm giai đoạn 2012-2021 với các nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng huy động ở mức thấp (tương ứng với tăng trưởng tín dụng thấp), đầu tư công không được như kỳ vọng khiến lượng tiền lớn vẫn đang tồn đọng tại kho bạc.
Dù vậy, với dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt quanh 12% - 13%, cán cân thanh toán dự kiến tiếp tục duy trì thặng dư cùng việc đồng USD suy yếu, giúp NHNN mua vào khoảng 10 tỷ USD, gia tăng dự trữ ngoại hối và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. KBSV dự báo tăng trưởng cung tiền đạt 12.2% trong năm 2024.
Qua những luận điểm trên, có thể nhận định xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm.
Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra trong năm 2024 là các sự kiện xung đột địa chính trị, hay việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp với các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ và Trung Quốc rơi vào suy thoái trầm trọng. Ở trong nước, các yếu tố rủi ro chính đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ở mức cao kỷ lục, có thể xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB, hay triển vọng thị trường bất động sản tiêu cực hơn kỳ vọng.
Thế Hoàng