Hòa Bình: Chuyện về nữ doanh nhân nâng tầm cam Cao Phong Gặt những “mùa vàng” trên đất Cao Phong Xây dựng chiến lược để thương hiệu cam Sành Hà Giang vươn xa |
Lợi thế vùng trồng, thị trường rộng lớn
Cao Phong là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, được biết đến là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc, chính quyền và người dân huyện Cao Phong ngày càng chú trọng hơn trong việc xây dựng, khẳng định vững chắc thương hiệu cam Cao Phong ở trong tỉnh, cũng như trên toàn quốc.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có gần 2.000 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 22.000 tấn. Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện Cao Phong tập trung nhiều nhất quanh thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong và xã Bắc Phong, bao gồm cam canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam V2, cam Xã Đoài... thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
![]() |
Trên tay người đàn ông là những trái cam Cao Phong |
Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Đến thời điểm này, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hoà Bình có chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ tại Liên minh châu Âu.
Đây được coi là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ với mặt hàng nông sản, mở ra nhiều cơ hội đưa cam Cao Phong đến với người tiêu dùng. Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Cam Cao Phong là sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản sạch, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho thương hiệu cam Cao Phong, những năm trở lại đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với sàn Thương mại điện tử Sendo đã mở “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn Sendo. Thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”, hàng ngàn tấn cam Cao Phong nói riêng cũng như những sản phẩm trái cây, rau củ, đặc sản khắp các vùng miền nói chung đã được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước.
![]() |
Tái canh cây ăn quả có múi để phát triển thương hiệu cam Cao Phong |
Anh Đặng Xuân Giáp (40 tuổi) trú xã Tây Phong, huyện Cao Phong chia sẻ: “Gia đình tôi có 6.000m2 đất trồng cam với các loại cam canh, cam V2, cam lòng vàng. Từ khi tham gia vào HTX 3T farm, tôi được hỗ trợ rất nhiều về phân bón, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây cam, nhất là việc không phải lo đầu ra sản phẩm. Năm nay, vườn cam nhà tôi dự kiến đạt khoảng hơn 20 tấn, thu về khoảng 600 triệu đồng”.
Còn chị Vũ Thị Lệ Thủy (40 tuổi) – Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T farm) cho biết, để cam Cao Phong có chỗ đứng trên thị trường, cần phải có quy trình sản xuất an toàn, minh bạch, có tem truy xuất rõ ràng. Năm 2018, HTX 3T nông sản Cao Phong được thành lập, cùng với các hộ dân thành viên trồng cam theo hướng hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết vùng trồng, hỗ trợ người dân phân bón, kỹ thuật chăm sóc, kết nối bao tiêu sản phẩm.
Tái canh để phát triển bền vững
Năm 2018, cả tỉnh Hoà Bình có khoảng 5.100 ha; đến năm 2023, diện tích cam toàn tỉnh chỉ còn trên 4.000 ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Cao Phong. Lý do là, vườn cam bao giờ cũng trải qua 4 thời kỳ canh tác: Trồng mới - Khai thác - Suy thoái - Tái canh.
![]() |
Cả tỉnh Hoà Bình có khoảng 5.100 ha |
Nhằm khai thác có hiệu quả 4 thời kỳ canh tác, hướng tới phát triển bền vững cây ăn quả có múi nói chung và cây cam nói riêng, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh Hoà Bình đã xây dựng đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Đề án chỉ ra và xác định rõ các giải pháp kéo dài thời gian khai thác và rút ngắn thời gian suy thoái.
Trong đó, UBND huyện Cao Phong đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha, với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất.
Lãnh đạo UBND huyện Cao phong thông tin, huyện đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình ban hành cơ chế sử dụng lồng ghép các nguồn vốn cho hoạt động của đề án; tăng cường cán bộ chuyên môn, năng lực của các sở, ngành giúp huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách để thực hiện đề án; hỗ trợ kinh phí để thực hiện những nội dung của các dự án ưu tiên, hỗ trợ các Hợp tác xã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị…
Trước mắt, nâng cấp và cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh với 7 công trình hồ, đập, 6.700 km kênh mương, tổng kinh phí dự kiến trên 21 tỷ đồng. Đồng thời, HĐND tỉnh Hoà Bình đã thông qua chính sách hỗ trợ cây giống cho diện tích trồng tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đến 2025, mức hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống sạch bệnh, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia.
Ông Võ Thành Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong cho biết, huyện luôn khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; kiên định sản xuất theo hướng xanh sạch dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh); tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc bón bổ sung các nguyên tố vi lượng an toàn trong quá trình phát triển quả; xây dựng và phát triển các hợp tác xã làm cầu nối liên kết giữa sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả cam tới thị trường.
![]() |
Thương hiệu cam cao phong “ngon, sạch, an toàn” |
Hiện nay nhận thức của hộ trồng cam Cao Phong đã thay đổi tích cực, theo hướng tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất. Trong quá trình canh tác, với sự phát triển của du lịch trải nghiệm tại vườn cam, các hộ nông dân đã hợp đồng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sinh học sau sử dụng với các công ty, hợp tác xã, mang đến cho cả vùng trồng cam dáng vẻ tự nhiên, nguyên sơ của những khu vườn sinh thái, đảm bảo các vấn đề về môi trường, giữ vững thương hiệu cam cao phong “ngon, sạch, an toàn”.