50 năm "giữ hồn" gốm Mường Chanh
Trong những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên được trò chuyện cùng ông Hoàng Văn Nam, trú ở bản Noong Ten, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Người được bà con nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến là “nghệ nhân U80”, bởi lẽ suốt hơn 50 năm qua, ông Nam đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm gốm Mường Chanh được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đón nhận.
Ông Hoàng Văn Nam (80 tuổi, dân tộc Thái Đen) là người hồi sinh gốm Mường Chanh tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La |
Dù đã ở cái tuổi “thập bát cổ lai hy”, con người ông Nam vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, rắn chắc với ánh mắt sáng ngời. Nhấp ngụm trà nóng đầu xuân, ông Nam chậm rãi kể: “Nghề làm gốm của người Thái Đen ở Mường Chanh không biết có từ lúc nào, nhưng từ ngày mới lớn, tôi đã được theo bố làm gốm rồi cùng mẹ mang gốm ra chợ bán hoặc đổi lấy gạo, vải, gà, lợn...Đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi cùng vợ bắt đầu tự làm gốm để kiếm tiền nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống”.
Vợ chồng ông Nam, bà Lanh hỗ trợ nhau để tạo hình cho gốm |
Theo ông Nam, để làm được gốm Mường Chanh, phải chọn loại đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt với nhiều màu sắc mà chỉ ở xã Mường Chanh mới có. Để lấy đất, sau mỗi vụ gặt lúa, người làm gốm phải đào sâu khoảng 1 - 1,5m ở ruộng mới tới lớp đất cần lấy. Sau khi lấy được đất về, những người thợ phải giã đất thật nhuyễn, dẻo, sau đó mới tạo hình trên bàn xoay bằng thớt gỗ tròn có đường kính khoảng 40cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt dưới đất.
Khi tạo hình hoàn chỉnh cho gốm xong sẽ đem đi nung, đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đầu tiên, lò nung sẽ được đốt nhỏ lửa để sấy cho khô, khi gốm chuyển sang màu hồng lửa thì tăng thêm củi cho gốm chín.
Để tạo màu sắc cho gốm, người thợ lấy lá cây dẻ cho vào lò rồi lấp cửa, ống khói. Trong quá trình ủ, lá dẻ cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen đặc trưng của gốm Mường Chanh. Thời gian nung gốm mất một ngày đêm, sau đó ủ tiếp trong lò khoảng 1 tuần để tạo độ bền chắc cho đến khi nguội hẳn mới cho ra lò.
Nguyên liệu để làm gốm Mường Chanh phải chọn loại đất sét pha cao lanh, có chất lượng tốt với nhiều màu sắc mà chỉ ở xã Mường Chanh mới có |
Gia đình ông Nam phải tự đi kiếm những cây củi lớn trên rừng mới có thể dùng để nung gốm |
Ông Nam chỉ khu vực lò nung gốm thủ công của gia đình, nơi tạo ra những sản phẩm gốm Mường Chanh nức tiếng |
Gìn giữ thương hiệu gốm Mường Chanh
Bà Vi Thị Lanh (vợ ông Nam) chia sẻ, sản phẩm gốm của người Thái Đen ở Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men nhưng bền và nhẹ. Chủ yếu là gốm gia dụng như: Chum, bình rượu, nồi nấu cách thủy, cối... Các sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho người dân địa phương và phục vụ khách du lịch. Do những sản phẩm gốm Mường Chanh được làm thủ công và không tráng men nên vô cùng độc lạ, được nhiều người tìm mua.
Sản phẩm gốm của người Thái Đen ở Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men nhưng bền và nhẹ |
Theo bà Lanh, hiện những người làm gốm ở Mường Chanh không còn nhiều trong khi khách hàng vẫn ưa chuộng, tìm mua bởi chất lượng bền, nếu dùng đựng nước hoặc ngâm rượu rất tốt, mà không có nơi nào sánh bằng. Do đó, có nhiều khách hàng tìm đến Mường Chanh để sưu tầm, mua gốm cổ, nhất là du khách nước ngoài thường tìm đến nghiên cứu, trải nghiệm.
Bà Lanh cũng cho biết, những năm gần đây, ông Nam thường xuyên được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên) mời đi thực hành làm gốm truyền thống cho khách du lịch xem. Vì vậy, mỗi năm gia đình ông bà chỉ nung được 5 - 6 lò gốm, mỗi lần nung chỉ được khoảng vài chục sản phẩm nên số lượng rất hạn chế.
Từ xa xưa, gốm Mường Chanh được người Thái Đen ở Sơn La dùng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày |
Ông Hoàng Văn Nam giới thiệu các sản phẩm gốm Mường Chanh do chính mình tạo ra |
Lãnh đạo UBND xã Mường Chanh thông tin, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm gốm đa dạng, phong phú, giá lại rẻ nên gốm Mường Chanh ít có chỗ đứng, chưa kể việc sản xuất gặp nhiều khó khăn về nhân lực, củi đốt, sản phẩm đơn điệu... Vì vậy, nghề làm gốm truyền thống ở Mường Chanh rất cần được quan tâm, giữ gìn, bảo tồn và phát triển.
Hiện UBND xã Mường Chanh đã xây dựng kế hoạch, thực hiện mô hình thí điểm về du lịch trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống tại địa phương nên rất mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện quảng bá, tuyên truyền cho nhiều người biết về mô hình này để thu hút khách du lịch, mở rộng thị trường, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho xã, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.