Thứ sáu 22/11/2024 06:40

Quảng Trị: Hành trình xây dựng thương hiệu ‘‘Gạo hữu cơ Sepon’’

Gạo hữu cơ Sepon (Quảng Trị) không chỉ mang lại hiệu quả cao cho nông dân, cải tạo môi trường nông nghiệp mà còn được thị trường đón nhận tích cực.
40 tuyến đường và 5 cầu ở TP. Đông Hà sẽ có những tên gì? Quảng Trị: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm chủ lực Quảng Trị: Gặp mặt, tôn vinh doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

Năm 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) thực hiện “đơn đặt hàng” của UBND tỉnh Quảng Trị về sản xuất gạo hữu cơ để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo Sepon Group, sau khi thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Công ty đã triển khai dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ trên diện rộng tại 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Quảng Trị: Hành trình xây dựng thương hiệu ‘‘Gạo hữu cơ Sepon’’
Cán bộ kỹ thuật phun chế phẩm từ sữa và trứng cho lúa bằng máy bay không người lái. Ảnh: Sepon Group

Lúc đầu triển khai, người nông dân còn nghi ngờ về tính hiệu quả, tuy nhiên với sự thuyết phục, tư vấn của kỹ thuật, đặc biệt là cam kết bao tiêu sản phẩm và bà con được cung cấp dịch vụ trọn gói từ khi làm mạ khay đến lúc cấy và thu hoạch thì nhiều bà con liền “bắt tay” triển khai.

Giống lúa được Sepon lựa chọn làm giống cho vùng trồng hữu cơ là ST25 - 2 lần đạt danh hiệu ngon nhất thế giới do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và phát triển. Để thực hiện dự án, ngoài việc đặt hàng với đối tác Israel về liên kết bốn nội dung liên quan trồng lúa hữu cơ gồm: Giải pháp sinh học để trừ cỏ, phân bón cho lúa, thuốc trừ sâu thảo dược và cách bảo quản lúa, thì Sepon còn hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… nghiên cứu và thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa; nhập máy gieo hạt, máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; chuẩn bị khu sản xuất chế phẩm sinh học bảo đảm. Sau 3 năm triển khai dự án ý nghĩa này, diện tích trồng lúa hữu cơ từng bước nâng lên từ 18 ha ban đầu đến nay đã là 80 ha.

Quảng Trị: Hành trình xây dựng thương hiệu ‘‘Gạo hữu cơ Sepon’’
Thu hoạch lúa hữu cơ. Ảnh: Sepon Group

Ông Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group cho biết, năm 2021, hành trình “khởi nghiệp” trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA (tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ) được triển khai, ông dẫn theo 11 cán bộ kỹ thuật xuống khảo sát ruộng, thuyết phục bà con đưa công nghệ vào trồng lúa.

Công ty đã thuê chuyên gia về khảo sát, phân tích chất đất ở vùng ruộng của một số huyện nhằm tìm ra diện tích đất phù hợp. Làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài với các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu chọn vùng sản xuất, hệ thống nước tưới, đầu vào sản xuất, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ.

Bên cạnh đó, Sepon Group đã thực hiện liên kết, chú trọng phát huy vai trò thế mạnh của các bên liên quan. Để giải quyết những khó khăn trong quá trình liên kết, địa phương đang từng bước thực hiện tích tụ ruộng đất, cải tạo hệ thống tưới tiêu để thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diên tích. Tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh là một trong những đơn vị được Sepon Group ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ ST25. Theo đó, người nông dân được cung cấp dịch vụ trọn gói đầu vào sản xuất bao gồm phân hữu cơ, mạ khay, dịch vụ cấy, các chế phấm sinh học và drone phun chế phẩm cũng như các dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng ruộng. Cuối vụ, Công ty thu mua giá lúa tươi 13.000 đồng/1kg. Việc nâng cao năng suất, tăng thu nhập đã làm cho nhiều bà con triển khai dự án phấn khởi. Nhiều nông dân cho rằng, giờ làm nông khá nhàn, lúa được cho “uống” sữa, “ăn” trứng gà, chẳng phải nhổ cỏ, tiếp xúc hóa chất, chỉ bón phân hữu cơ và lấy nước, còn những việc khác do cán bộ kỹ thuật Sepon lo. Theo tính toán, trên cùng một diện tích, trồng lúa cũ, cho thu hoạch 1 triệu đồng/sào, thì nay lên 1,5 triệu đồng/sào đối với trồng lúa theo công nghệ Sepon. Việc trồng lúa hữu cơ chính là mang lại những hạn chế được tối đa người dân tiếp xúc với hóa chất độc hại; trả lại môi trường tự nhiên vốn có như trước đây, nông dân chia sẻ.

Quảng Trị: Hành trình xây dựng thương hiệu ‘‘Gạo hữu cơ Sepon’’
Gạo hữu cơ sau khi đóng gói thành phẩm. Ảnh: Sepon Group

Dự án phát triển lúa hữu cơ VietGAP giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Quảng Trị giao do Sepon Group làm chủ đầu tư để hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa. Dự án nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group Hồ Xuân Hiếu cho biết thêm, từ chọn lựa nguyên liệu đầu vào là giống gạo ngon ST25, giá gạo hữu cơ bán ra thị trường hợp lý; chất lượng gạo ổn định… đến nay, gạo hữu cơ Sepon dần chiếm lĩnh được thị trường.

“Mục đích của việc trồng lúa hữu cơ để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước mà còn xuất qua thị trường châu Âu và Mỹ nên các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe đến từng chi tiết. Trong đó, người sản xuất được tập huấn, cung cấp kiến thức về trồng lúa hữu cơ. Nhật ký trồng lúa được ghi chép đầy đủ về vật tư đầu vào, canh tác, bón phân, chăm sóc…”, ông Hồ Xuấn Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án trồng lúa hữu cơ VietGAP giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn năm 2030 được tỉnh giao Sepon Group thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa nội dung phát triển nền nông nghiệp hiện đại được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2020-2025) xác định; cũng như nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống cho người dân. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP.

Tin khác

Phiên bản di động