Thủ công mỹ nghệ: Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới Cải tiến mẫu mã để tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ |
Tận dụng cơ hội phát triển thương hiệu làng nghề
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.800 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa và trình độ kỹ thuật của nghệ nhân, thợ làm nghề; sự tài hoa tích lũy qua nhiều thế hệ không chỉ đáp ứng được nhu cầu công năng sử dụng mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập, sản phẩm của các làng nghề đã và đang bị cạnh tranh gay gắt, các chủ thể gặp rất nhiều khó khăn để duy trì sự tồn tại và phát triển. Đáng nói, nhận thức của người tiêu dùng về làng nghề, sản phẩm làng nghề, thương hiệu làng nghề với nhiều giá trị khác biệt còn rất hạn chế, không hiểu về những giá trị thương hiệu làng nghề, vấn đề xây dựng thương hiệu làng nghề chưa được quan tâm và đầu tư thực hiện bài bản.
Theo các chuyên gia, nơi nào kết hợp giữa du lịch và dịch vụ tốt, nơi đó thương hiệu làng nghề phát triển và hoạt động thương mại cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Ảnh: H.M |
Theo đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đầu ra của sản phẩm làng nghề nói chung, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kết hợp giữa du lịch và dịch vụ sản phẩm thông qua phát triển thương hiệu làng nghề.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Đào Cao Sơn – Giảng viên bộ môn Quản trị Thương hiệu Trường Đại học Thương mại - cho rằng, hiện nay, các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng đã tập trung đầu tư phát triển du lịch làng nghề, biến làng nghề truyền thống thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, gắn với phát triển thương hiệu làng nghề. Một số làng nghề phục vụ du lịch đã cung cấp được một số loại hình dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống để phục vụ khách tham quan, di lịch.
Đơn cử, là địa phương chiếm 45% tổng số làng nghề truyền thống trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, những năm qua, Hà Nội đang rất chú trọng trong việc phát triển thương hiệu làng nghề. Việc duy trì, quảng bá thương hiệu làng nghề đã được các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Sản phẩm của các làng nghề ở Việt Nam hiện nay hầu hết đều dựa trên một cái tên chung liên quan đến địa danh của làng nghề như: Gốm Bát Tràng, đồng Đại Bái, lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ…
“Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề bước đầu đã có những đầu tư nhất định cho thương hiệu của mình. Họ đã đầu tư cho thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, như đặt tên thương hiệu, thiết kế logo, khẩu hiệu, biển hiệu, catalogue, website…” - ông Sơn chỉ ra và cho rằng, mặc dù vậy, hiện việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại nhiều cơ sở còn hạn chế, hầu như thương hiệu không có bất cứ yếu tố nhận diện nào ngoài cái tên được gắn trên biển hiệu.
Nâng tầm giá trị cho thương hiệu sản phẩm
Trong bối cảnh hội nhập, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới như châu Âu. Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong những năm gần đây nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Việt Nam như gốm sứ, mây tre đan, dệt lụa… rất được thị trường thế giới ưa chuộng, nhất là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc… Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành này có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề phải cạnh tranh rất lớn không chỉ với các sản phẩm trong nước mà với rất nhiều các sản phẩm của các quốc gia khác. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu làng nghề là yếu tố quan trọng để đưa giá trị sản phẩm lên tầm cao hơn. Tuy nhiên, việc này rất cần sự vào cuộc của Nhà nước để hỗ trợ, nhất là dẫn dắt các làng nghề tham gia thương hiệu quốc gia.
Nhằm nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu làng nghề ở Việt Nam, TS. Đào Cao Sơn cho rằng, các làng nghề cần hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu làng nghề và thương hiệu của các cơ sở sản xuất – kinh doanh. Theo đó, hệ thống nhận diện thương hiệu chung cho làng nghề đòi hỏi sự thống nhất, chuẩn hóa các yếu tố quan trọng như tên thương hiệu, logo, mẫu nhãn hiệu, xây dựng quy định chung sử dụng nhãn hiệu tập thể… làm tiền đề cho hoạt động đăng ký bảo hộ, giúp tạo ra một hình ảnh thương hiệu nhất quán, tăng nhận diện từ phía khách hàng.
Song song với đó, lập kế hoạch phát triển tổng thể cho làng nghề, kèm theo các biện pháp hỗ trợ và chương trình tuyên truyền để bảo đảm làng nghề phát triển đồng bộ, hiệu quả. Gắn kết thương hiệu làng nghề với phát triển du lịch. Hiện nay, mô hình này đã được triển khai tại một số làng nghề ở Việt Nam và mang lại kết quả tốt, giúp thương hiệu làng nghề trở nên nổi tiếng hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Để triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, các sản phẩm và các ngành hàng trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam, hàng năm, Bộ Công Thương đều trực tiếp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức các hoạt động như nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế, phát triển sản phẩm và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu; tư vấn, hỗ trợ đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước; thực hiện tuyên truyền, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài nước... nhằm thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nói chung, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng tiếp cận đa dạng thị trường.