Thứ hai 25/11/2024 12:18

Phát huy nghề thổ cẩm Lào tại Điện Biên: Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực

Với những nét riêng biệt, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào tại Điện Biên mong muốn vươn xa hơn, trở thành một thương hiệu đặc sắc trên thị trường.
Thổ cẩm, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Văn Thăng - Trưởng phòng Quản lý Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) - cho biết, thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào tại tỉnh Điện Biên mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc, tuy nhiên, cũng có những nét đặc trưng riêng về hoa văn và những nét khác biệt so với các loại thổ cẩm của đồng bào Tây Bắc.

Đặc biệt, những năm gần đây, thổ cẩm của dân tộc Lào ở Điện Biên được biết đến nhiều hơn và bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. Việc biến sợi bông thành vải thổ cẩm là giải pháp, mở ra hướng đi giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Lào ở Điện Biên.

Cũng theo ông Thăng, một trong những địa phương có nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào lâu đời là ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Phần lớn thổ cẩm người Lào làm ra tại đây là để sử dụng trong lễ hội và đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình, như: Váy, áo, khăn, đệm...

Loay hoay bài toán xây dựng thương hiệu thổ cẩm dân tộc Lào tại Điện Biên
Với những nét riêng biệt, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào tại Điện Biên mong muốn vươn xa hơn, trở thành một thương hiệu đặc sắc trên thị trường. Ảnh: D.A

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát huy giá trị từ nghề, song theo ông Thăng, cùng với sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa và hội nhập về kinh tế, nghề dệt thổ cẩm trước nguy cơ dần bị mai một. Trong đó, các sản phẩm dệt ở Na Sang vẫn chưa xây dựng được thương hiệu rộng khắp trên cả nước. Đây cũng là điều trăn trở của bà con, cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chia sẻ thêm, ông Trần Phương Nam - Phó chủ tịch UBND xã Núa Ngam - cho biết: “Nhận thấy nghề dệt thổ cẩm không chỉ là bản sắc văn hóa mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định nên những người phụ nữ Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam đã cùng nhau giữ gìn và phát huy. Hiện nay, UBND xã Núa Ngam đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề dệt truyền thống thành sản phẩm OCOP cho bản Na Sang. Đồng thời, khuyến khích vận động bà con phát huy truyền thống làng nghề lâu đời của bản”.

Theo một người dân bản địa ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Hiện, những nghệ nhân dệt thủ công truyền thống ở bản Na Sang cũng đều lớn tuổi. Trước nguy cơ mai một nghề dệt truyền thống, nhiều người có kinh nghiệm dệt lâu năm trong bản đã và đang tiến hành truyền dạy cho con cháu với mong muốn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống để đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào nơi đây vươn xa hơn, trở thành một thương hiệu đặc sắc trên thị trường.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang vẫn được giữ gìn và bảo tồn. Để nghề này mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho bà con nơi đây, các cấp, ngành địa phương cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa. Qua đó, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm trở thành một trong những điểm nhấn đối với du khách khi đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm

Không chỉ tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, tại xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống của dân tộc Lào mà còn mở ra cơ hội để biến giá trị văn hóa thành nguồn thu nhập. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, từ tháng 6/2020, 9 thành viên đầu tiên của bản Pa Xá Lào đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Thơm.

Sự ra đời của Hợp tác xã đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội giới thiệu thổ cẩm Pa Thơm tại các hội chợ, triển lãm, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh Điện Biên đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, thổ cẩm Pa Thơm đã được giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Theo chị Lò Thị Vân - Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Thơm, nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Hợp tác xã đã có cơ hội tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng chủ động tìm kiếm các kênh phân phối mới.

Chúng tôi cũng xác định phải luôn làm mới sản phẩm bằng các mặt hàng đa dạng, như: túi, khăn, váy, áo... với mức giá từ 200.000 đến 2 triệu đồng tùy loại. Nhờ vậy, doanh thu của Hợp tác xã ngày càng tăng, trung bình đạt trên 200 triệu đồng/năm và có những năm đạt hơn 300 triệu đồng - Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Thơm nói.

Hiện nay, tại xã Pa Thơm đã có hơn 30 hộ tham gia các khâu để sản xuất thổ cẩm bản Pa Xá Lào. Thu nhập của các thành viên HTX cũng được cải thiện đáng kể, trung bình mỗi hộ có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng.

Để phát triển nghề thủ công dệt thổ cẩm dân tộc Lào và tăng thêm thu nhập cho bà con, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra trong và ngoài nước. Cuối năm 2023, sản phẩm thổ cẩm Lào đã được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Điều này càng tiếp thêm động lực để bà con dân tộc sáng tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cũng theo chị Vân, nghề dệt không chỉ giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập ổn định mà còn tạo ra nhiều việc làm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi công việc đồng áng trở nên nhàn rỗi, việc dệt thổ cẩm đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên - cho biết, để tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống và dịch vụ phù hợp với địa phương được đặc biệt chú trọng. Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, góp phần mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 9.000 lao động, tăng 11,6%; tuyển sinh đào tạo nghề gần 9.800 người, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tin khác

Phiên bản di động