Thái Bình: OCOP bứt phá ngoạn mục, khẳng định vị thế trên thị trường Chuyển đổi số: 'Đòn bẩy' nâng tầm sản phẩm OCOP Quảng Ninh |
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Thái Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP nổi bật với chất lượng cao, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc rõ ràng, tạo được sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Thành quả này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc thực hiện chương trình OCOP.
Phát triển sản phẩm từ lợi thế địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 194 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 48 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 146 sản phẩm xếp hạng 3 sao, được sản xuất bởi 137 chủ thể, bao gồm 38 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 45 hộ kinh doanh.
Kết quả này không chỉ vượt xa mục tiêu mà tỉnh đề ra là “đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên” (vượt 29,67%) mà còn khẳng định sự quyết tâm của địa phương trong việc thay đổi nhận thức, triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phong trào phát triển OCOP.
Đặc biệt, Thái Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ thế mạnh sẵn có trong ngành chăn nuôi và thủy sản. Với lợi thế tự nhiên của các huyện ven biển, các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực này hiện chiếm hơn 40 sản phẩm. Những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đạt tiêu chuẩn OCOP không chỉ khẳng định chất lượng mà còn tạo động lực mới cho nông dân và doanh nghiệp ở nông thôn phát triển kinh tế.
Nhiều sản phẩm OCOP đã vươn xa, khẳng định chỗ đứng trên các thị trường lớn trong nước. Có thể kể đến Bánh cáy Thiên Đức, đặc sản của xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là món bánh dân dã với hương vị đặc trưng, được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn. Bánh có độ dẻo ngọt, thơm mùi gạo nếp, lạc vừng, hòa quyện với vị lạ miệng từ mứt bí, gừng tươi cay nồng và tinh dầu hương bưởi quyến rũ. Từng là sản vật tiến vua thời xưa, Bánh cáy Thiên Đức đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm được phân phối trên toàn quốc và đang định hướng xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tiêu biểu ở tỉnh Thái Bình đang góp phần tạo thương hiệu mạnh, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường và quảng bá tốt hình ảnh cho địa phương. Ảnh: Hoàng Giang |
Hay như sản phẩm nước mắm Tiền Châu của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Thủy hải sản số 06, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Điểm khác biệt của nước mắm Tiền Châu nằm ở kỹ thuật ủ chượp và chiết xuất độc đáo, tạo ra loại mắm giàu dinh dưỡng với vị ngọt và hương thơm tự nhiên hoàn toàn. Sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thái Bình, khẳng định chất lượng và giá trị đặc trưng của thương hiệu.
Một sản phẩm nổi bật khác là kẹo dồi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Thuận, thôn Dương Ngọc, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà. Kẹo dồi mang hương vị độc đáo, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm gồm hai phần chính là phần nhân là hỗn hợp lạc, vani, mạch nha và đường, tạo nên màu vàng óng như mật ong; phần vỏ được chế biến từ mạch nha và đường, được nấu đạt độ keo vừa phải, sau đó được các thợ lành nghề “đánh” tạo hình, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Năm 2020, kẹo dồi Trường Thuận được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, giúp nâng cao uy tín thương hiệu và mở rộng thị trường. Trong thời gian tới, công ty đặt mục tiêu cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế và hướng tới xây dựng mẫu mã, chất lượng đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Các sản phẩm OCOP khác của tỉnh Thái Bình như bánh đa Quỳnh Côi, bông hẹ Đồng Tâm, măng tây hữu cơ Quỳnh Phụ, gạo làng Giành, hay các loại trà của Công ty An Thái Hưng đã dần trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản theo thế mạnh từng địa phương, gắn với chương trình OCOP, không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử
Để thu hút các chủ thể tham gia chương trình OCOP, Thái Bình đã triển khai các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính và xúc tiến thương mại.
Tại huyện Tiền Hải, mỗi sản phẩm OCOP được hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng. Huyện Hưng Hà áp dụng mức hỗ trợ cao hơn, lên tới 100 triệu đồng/sản phẩm trong giai đoạn 2021-2025. Huyện Thái Thụy hỗ trợ từ 60 triệu đến 90 triệu đồng/sản phẩm, tùy thuộc vào đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã hay hộ gia đình, với tối đa 3 sản phẩm mỗi chủ thể. Trong năm 2024, Thái Thụy đã lồng ghép hỗ trợ sản phẩm OCOP vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Huyện Vũ Thư hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng cho sản phẩm 4 sao và 80 triệu đồng cho sản phẩm 3 sao ở các xã chưa có sản phẩm OCOP.
Nhờ những chính sách hỗ trợ này, việc xây dựng sản phẩm OCOP tại Thái Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực, vượt xa các mục tiêu đề ra. Trong năm 2024, tỉnh đã có 89 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 70 xã sẽ tham gia chương trình OCOP, mở rộng cơ hội phát triển sản phẩm.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện còn tập trung vào đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Các hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn định hướng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: "Qua rà soát, trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm công nghiệp".
Ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Trang |
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đưa sản phẩm hàng hóa của mình tham gia sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok shop, Sàn Việt (Sanviet.vn)...Sàn Việt là nền tảng thương mại điện tử do Bộ Công Thương quản lý, đã trở thành kênh phân phối chiến lược cho các sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm đặc trưng từ mọi miền đất nước, đồng thời tận hưởng lợi ích từ tính năng so sánh giá và các chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn nhờ tính tiện lợi, thông tin minh bạch và khả năng giao dịch trực tiếp với người bán. Người tiêu dùng không chỉ tiếp cận các sản phẩm nông sản chất lượng từ Thái Bình mà còn nhận được các ưu đãi và khuyến mãi hấp dẫn. Họ có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, góp phần tăng cường kết nối giữa người tiêu dùng và sản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường nông sản trực tuyến.
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm và phát triển thị trường thông qua truyền thông, thương mại trực tuyến và các hội chợ. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới và nâng cấp các sản phẩm đã được phân hạng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, chương trình OCOP là một hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra nhiều cơ hội phát triển. Với sự hỗ trợ đồng bộ và quyết tâm của địa phương, các sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định chất lượng mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông thôn Thái Bình.