Sắc màu chợ phiên Mèo Vạc Hà Giang: Sắp diễn ra Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai huyện Mèo Vạc Chủ tịch tỉnh Hà Giang kiểm tra một số dự án đầu tư ở Mèo Vạc |
Mèo Vạc là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Hà Giang có tiềm năng thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa là định hướng xuyên suốt không chỉ của huyện mà còn là mục tiêu chung của cả tỉnh.
Những năm qua, Mèo Vạc đã từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu cho Mèo Vạc trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của Hà Giang. Trong một chuyến công tác tại Hà Giang, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lương Vũ Khoa - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mèo Vạc, Hà Giang để nghe ông chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của huyện.
- Câu chuyện xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang nói chung và của huyện Mèo Vạc nói riêng trong những năm qua đã để lại nhiều dấu ấn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
![]() |
Ông Lương Vũ Khoa - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: B.N |
Ông Lương Vũ Khoa: Những năm gần đây Hà Giang phát triển du lịch rất tốt và để có được kết quả như ngày hôm nay, phải kể đến rất nhiều lý do. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý đó là sự kiện, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á (từ ngày 3/10/2010). Đến năm 2014 và năm 2019, UNESCO tiếp tục tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Dấu ấn này đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ cho du lịch Hà Giang nói chung và Mèo Vạc nói riêng.
Đặc biệt, ngày 3/9/2024, tỉnh Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024” tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2024 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển du lịch một cách đúng hướng, trọng tâm, bền vững.
Một trong những điểm nhấn du lịch của Mèo Vạc nổi bật là các sản phẩm như Hẻm Tu Sản, Sông Nho Quế, cung đường Mã Pì Lèng, chợ tình Khâu Vai, khám phá văn hóa bản địa của người Mông, người Dao, người Lô Lô... Với đa dạng sản phẩm, lượng khách đến với Hà Giang tăng mạnh và thực sự phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Riêng trong năm 2024, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, lượng khách đến với Hà Giang đạt 3,5 triệu lượt khách. Riêng Mèo Vạc, là 545.000 khách. Trong đó có hơn 200.000 lượt khách nước ngoài. Doanh thu đạt khoảng 430 tỷ đồng.
Được biết ngoài những sản phẩm du lịch như ông kể trên, hiện nay, Mèo Vạc hiện cũng đang đẩy mạnh du lịch mạo hiểm như khám phá hang động, hố sụt?
Ông Lương Vũ Khoa: Đúng vậy, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành khai thác những điểm du lịch mới như khám phá hang động, hố sụt. Bởi địa phương có lợi thế hệ thống hang động, hố sụt vô cùng đa dạng.
Một trong hai hố sụt lớn nhất tại Mèo Vạc phải kể đến là hố sụt tại thôn Tìa Chí Dùa (thuộc thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang) – cách trung tâm thị trấn khoảng hơn 2km, đi về hướng xã Giàng Chu Phìn, ẩn mình trên một ngọn đồi thông, là địa điểm còn hoang sơ nhưng sở hữu khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật xanh mướt, tạo nên một thế giới tuyệt đẹp như trong truyện cổ tích.
![]() |
Mèo Vạc có lợi thế hệ thống hang động, hố sụt vô cùng đa dạng. Ảnh: B.N |
Ngoài ra, huyện Mèo Vạc cũng có hệ sinh thái hang động phong phú. Trong đó có một hang động mới, đó là hang Sán Tớ, nằm sát Quốc lộ 4C, cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc khoảng 5km, rất thuận lợi để du khách tham quan, trải nghiệm.
Điểm nổi bật, nếu so sánh với hang Rồng (xã Tả Lủng) và hang Nhím (xã Pả Vi), hang Sán Tớ dài hơn, đẹp hơn và nhiều nhũ hơn. Hang Sán Tớ có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm Cao nguyên đá Đồng Văn.
Chúng tôi hiện đang hợp tác với các đơn vị khai thác hang động chuyên nghiệp khai thác và vận hành các sản phẩm du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình để lên xây dựng đề án cho việc phát triển du lịch mạo hiểm tại địa phương. Dự kiến 2025 các đơn vị sẽ tiến hành khảo sát và triển khai. Việc triển khai các sản phẩm du lịch mạo hiểm được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn mới và thu hút lượng lớn du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
-Với tiềm năng rất lớn, song du lịch Mèo Vạc vẫn chưa phát huy hiệu quả, theo ông, đâu là nguyên do?
Ông Lương Vũ Khoa: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch của địa phương vẫn còn không ít hạn chế và bất cập, như: Hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, tự phát, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Quy hoạch và kết cấu hạ tầng về du lịch chưa thực sự đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho du khách, các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch ở một số nơi, một số điểm còn thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường du lịch ngày một phát triển, hấp dẫn.
Nguyên do, hiện địa phương đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư. Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị tới khảo sát nhưng chưa có phương án rõ ràng vì cần nguồn lực tương đối lớn. Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng một số đối tác khảo sát tại nhiều điểm để xây dựng sản phẩm mới. Trong đó, đã khảo sát sản phẩm du lịch cao cấp như sân bay trực thăng từ Hà Nội lên Bắc Mê. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vẫn cần nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể triển khai được.
![]() |
Năm 2024, lượng khách đến với Hà Giang đạt 3,5 triệu lượt khách. Riêng Mèo Vạc đạt 545.000 khách. Ảnh: B.N |
Thêm nữa, đặc thù địa hình đồi núi cách khá xa các vùng kinh tế, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn cũng là trở ngại của các nhà đầu tư. Đây là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
-Để du lịch Hà Giang nói chung, Mèo Vạc luôn khẳng định vị thế điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, ông có kiến nghị gì?
Ông Lương Vũ Khoa: Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Mèo Vạc lại nằm trong vùng lõi của cao nguyên đá, tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đưa công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào mục tiêu phát triển du lịch của cả nước. Năm 2030 sẽ là khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Theo đó, để trợ lực cho du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, rất cần sự đầu tư của Nhà nước cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp vào cuộc nhằm đưa Hà Giang nói chung và Mèo Vạc nói riêng trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc đề ra kế hoạch cho năm 2025 với nhiều định hướng quan trọng. Trong đó, Mèo Vạc sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương, đồng thời chú trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.
Trân trọng cảm ơn ông!