Thứ năm 27/03/2025 14:50

Hải Dương khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025

Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, gắn liền với lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Chi tiết kế hoạch tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 Khám phá Cồn Sơn - khu du lịch sinh thái miệt vườn giữa lòng Cần Thơ

Điểm đến lý tưởng

Sáng 13/2, tại sân đá chùa Côn Sơn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc; Tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2025); Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương, Côn Sơn (15/2/1965 – 15/2/2025) và phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác.

Trong diễn văn khai mạc tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nêu bật giá trị Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, gắn liền với lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã quy tụ nhiều bậc cao nhân, hiền sĩ ẩn tu; nơi lập đại bản doanh chống quân Nguyên của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn; nơi Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả ẩn tàng; Tư đồ Trần Nguyên Đán mở Động Thanh Hư và cũng tại đây, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chọn là nơi để “ngẫm, suy việc dân, vận nước”.

Hải Dương khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025
Đông đảo người dân tham gia khai mạc lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025. Ảnh: Anh Tuấn

Bên cạnh đó, mỗi độ Xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 đời vua Trần Thái Tông. Năm 1330, Huyền Quang Tôn giả kế thừa Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, trở thành vị Tổ thứ ba và trụ trì tại Chùa Côn Sơn.

Với bề dày lịch sử, giá trị văn hóa to lớn, Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước; nơi lưu giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; nơi bảo tồn và thực hành các nghi lễ tôn giáo. Đồng thời, di tích cũng phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu, cách đây 60 năm, ngày 15/2/1965, Hải Dương đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Quyết tâm thực hiện lời Bác “Làm cho Hải Dương trở thành một tỉnh kiểu mẫu”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương không ngừng phấn đấu, vươn lên. Đặc biệt, năm 2024, Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo thế và lực mới để Hải Dương phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Nhiều hoạt động ý nghĩa xuyên suốt lễ hội

Trước lễ khai hội, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thực hiện nghi lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Trong tiếng nhạc lưu thủy, tiếng trống chiêng rộn ràng, đoàn rước với hàng nghìn người gồm đội rồng, cờ, lọng, bát bửu, chấp kích, kiệu ba vị Tam Tổ Trúc Lâm, lễ chay, lễ mặn, bình thủy, hương, hoa… di chuyển từ chùa Côn Sơn tiến về hồ Côn Sơn thực hiện nghi lễ rước nước.

Nghi lễ rước nước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đây là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008, trở thành nét độc đáo của Lễ hội hàng năm.

Hải Dương khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025
Nghi lễ rước nước chùa Côn Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Sau lễ khai hội là Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là dịp để đông đảo nhân dân và du khách trải nghiệm các sản phẩm OCOP, du lịch, ẩm thực, các nét văn hóa đặc sắc của Hải Dương.

Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 - 16/2 (tức từ ngày 16 - 19 tháng Giêng). Theo Ban tổ chức, Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại năm nay có 42 gian hàng. Trong đó, 7 gian hàng quảng bá, giới thiệu đặc sắc ẩm thực của Hải Dương và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Các gian hàng còn lại giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại năm 2025 còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn để người dân, du khách có dịp trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của Hải Dương như: Trình diễn thời trang áo dài với chủ đề “Xứ Đông - Kết nối và lan tỏa” diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 14/2; chương trình nghệ thuật Tiếng hát người lao động, vũ điệu đoàn viên diễn ra lúc 9 giờ 30 ngày 15/2.

Không chỉ được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012; đã trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Tin khác

Phiên bản di động