Lào Cai: Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Đồng Tháp: Phấn đấu mỗi làng nghề đều có sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP Bến Tre: Đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng |
Đa dạng các mặt hàng
Tết Nguyên đán là thời điểm sức mua tăng mạnh. Nắm bắt xu thế này, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn Hà Nội đều tăng lượng sản xuất, chuẩn bị lượng hàng hóa gấp 2-3 lần so với bình thường.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, toàn thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố đã đánh giá, công nhận thêm hơn 500 sản phẩm OCOP.
Người tiêu dùng Thủ đô đến mua sắm tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP |
Trong số các sản phẩm OCOP của Thủ đô, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ… thích hợp để làm quà biếu hoặc gia đình dùng trong dịp Tết như: Bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); thịt lợn sinh học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ); giò chả Tân Ước (huyện Thanh Oai); gà đồi huyện Ba Vì; hoa đồng tiền Đồng Tháp (huyện Đan Phượng); gạo hữu cơ Đồng Phú, bưởi Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, trứng gà Tiên Viên (huyện Chương Mỹ); hoa đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ); nụ trầm Từ Bi Hương, nụ trám Từ Bi Hương (huyện Ứng Hoà)…
Những ngày này, tại các hộ làm miến ở xã Cộng Hòa và xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) đang hối hả sản xuất miến dong để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, xã Cộng Hòa có 3 lò và xã Tân Hòa có 69 lò làm miến. Mỗi vụ Tết, 2 xã này cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn miến.
Sản phẩm OCOP miến dong Dương Kiên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán |
Riêng tại Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên, ông Dương Đình Khôi, Giám đốc công ty cho biết, sản phẩm miến dong Dương Kiên của công ty đã được TP. Hà Nội công nhận OCOP 4 sao, vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu.
"Trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất được khoảng 2,5 tấn miến khô phục vụ thị trường. Dự kiến trong dịp Tết, công ty cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 300 tấn miến", ông Khôi cho hay.
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) Nguyễn Anh Chiến, công ty có 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, chủ yếu là các loại bánh truyền thống như: Bánh gạo lứt, bánh trứng dừa, bánh vừng vòng, bánh trứng vừng,... Công ty sản xuất và cung cấp bánh ra thị trường quanh năm, nhưng dịp Tết thường tiêu thụ nhiều nhất.
"Vẫn là các loại bánh truyền thống, nhưng chúng tôi đóng trong các hộp “tài”, “lộc” để phục vụ người dân đi lễ đầu năm... Với những đổi mới như vậy, chúng tôi hy vọng việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn...", ông Nguyễn Anh Chiến cho hay.
Ông Nguyễn Anh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng giới thiệu về sản phẩm OCOP |
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm, các chủ thể OCOP ngoài nâng chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần, đa dạng cách tiếp cận các thị trường và phân khúc khách hàng.
Ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Go!BigC, Co.opmart, BRG Mart, Hapromart, WinMart… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2024 này, các chủ thể sản xuất OCOP còn đưa các sản phẩm vào các giỏ quà tặng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Người tiêu dùng huyện Mỹ Đức tiếp cận sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại hội chợ. Ảnh: Hoài Nam |
Để hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tiêu thụ dịp Tết, ngày 19/1 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã tổ chức "Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP" tại huyện Mỹ Đức.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc HPA cho biết, Hội chợ được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến người tiêu dùng Thủ đô; đồng thời kết nối giữa các nhà sản xuất của các tỉnh, thành với các kênh phân phối trên địa bàn thành phố. Đây cũng là hoạt động xúc tiến nông nghiệp thiết thực, điểm nhấn mua sắm an toàn của người dân Thủ đô chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Với quy mô khoảng 100 gian hàng, trên 1.000 dòng sản phẩm được trưng bày và giới thiệu như: Sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền của các địa phương; sản phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Sản phẩm trưng bày, bán được ghi rõ giá bán, có nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, mẫu mã bao bì đẹp.
Đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử |
Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, sàn thương mại điện tử với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng thuận lợi đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đây được xem là "đòn bẩy" quan trọng giúp sản phẩm OCOP tiếp cận với thị trường nhanh chóng...
Theo Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh cần hòa nhập vào sự phát triển trong hệ sinh thái về số đó. Khách hàng trẻ thực sự đang là đối tượng tiêu dùng số, bởi họ mua bán trên nền tảng số, thương mại điện tử rất nhiều.
"Chúng ta phải nắm bắt để vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm của mình một cách tốt nhất bên cạnh những kênh phân phối truyền thống", bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.