Đà Nẵng: Hỗ trợ hơn 2,26 tỷ đồng cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, sản xuất sạch hơn Đà Nẵng triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đến nay như thế nào? |
“Nuôi” doanh nghiệp từ “mầm” là cơ sở sản xuất siêu nhỏ
Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vừa mở thêm 1 cơ sở sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng đáp ứng các yêu cầu của thị trường. HTX Nông sản sạch Đô 37 được hình thành khoảng 7 năm trước, tiền thân là từ một cơ sở sản xuất tinh bột nghệ nhỏ, sản xuất tự phát, thủ công, đến nay đã trở thành một HTX có 7 thành viên, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Các chương trình của ngành Công Thương đã ''nuôi'' HTX Nông sản sạch 37 phát triển thành một thương hiệu nông sản sạch được nhiều người biết đến |
Bà Nguyễn Thị Oanh – Giám đốc HTX cho biết, trong hành trình 7 năm khởi nghiệp có dấu ấn đậm nét của những hỗ trợ, đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở Công Thương thành phố. “Từ một hộ làm tinh bột nhỏ lẻ, khi có sự đồng hành từ phía ngành Công Thương hỗ trợ đơn vị tư vấn cải tiến sản phẩm, nhất là hỗ trợ đầu tư máy móc (theo chương trình khuyến công); hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hiện nay, chúng tôi đã thành lập HTX với 7 thành viên, không chỉ mang lại doanh thu mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động”, bà Nguyễn Thị Oanh nói.
Ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc cho rằng, một doanh nghiệp để hình thành, phát triển trước hết phải tự lực, nỗ lực đi lên. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững thì luôn cần sự đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Thanh Phước cho biết, công ty keo dán vải nhám Bá Lộc ban đầu là đơn vị siêu nhỏ, phương thức hoạt động bán tự động, đến nay, qua 4 năm, đơn vị đã chuyển gần như hoàn toàn sang tự động hóa. “Quá trình một doanh nghiệp chuyển từ bán tự động sang tự động không đơn giản, yêu cầu cả nhân lực, vật lực và trợ lực. Chúng tôi nhận được trợ lực rất lớn từ phía Sở Công Thương TP. Đà Nẵng thông qua việc doanh nghiệp được thụ hưởng hỗ trợ kinh phí từ chương trình khuyến công để đẩy nhanh quá trình tự động hóa”, ông Nguyễn Thanh Phước chia sẻ.
Sản xuất tại Công ty keo dán vải nhám Bá Lộc hiện đã tự động hóa gần 100% |
Tìm doanh nghiệp để hỗ trợ
Thống kê có tới hơn 90% doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như các chính sách về vốn, tiếp cận ưu đãi đổi mới công nghệ máy móc. Trong đó, đối với doanh nghiệp sản xuất ngành Công Thương, tháng 12/2020, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết 324 về chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn.
Với chính sách này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được thụ hưởng hỗ trợ để đổi mới máy móc thiết bị với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương TP. Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết 324 là sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng đối với các doanh nghiệp thành phố, nhất là các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất, hợp tác xã – những đơn vị siêu nhỏ cả về quy mô, vốn, chất lượng nhân lực, chất lượng sản phẩm.
Riêng trong năm 2024, nguồn kinh phí TP. Đà Nẵng dành cho các hoạt động khuyến công địa phương theo Nghị quyết 324 là 5,5 tỷ đồng, và phần lớn trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sạch hơn. “Phần lớn các đơn vị được thụ hưởng kinh phí từ chương trình khuyến công, phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch (theo Nghị quyết 324) đã phát huy tốt hiệu quả máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Lê Thanh Hạ cho hay.
TP. Đà Nẵng trao hỗ trợ máy móc khuyến công địa phương theo Nghị quyết 324 cho Hợp tác xã Nhiên Tâm |
Theo ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, để chương trình khuyến công hỗ trợ có hiệu quả, đúng và trúng đối tượng thụ hưởng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố đã liên tục chủ động tìm kiếm các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã để tư vấn hỗ trợ. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, các hộ sản xuất ngoài khu công nghiệp. Đây là những “mầm” doanh nghiệp nhưng nguồn lực còn hạn chế, rất cần được “trợ lực” để lớn lên”, ông Nguyễn Văn Trừ thông tin.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho hay, ngành Công Thương Đà Nẵng không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hỗ trợ máy móc thiết bị, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hỗ trợ từ phát triển cơ sở sản xuất lên doanh nghiệp, đến hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm qua chương trình khuyến công và thương mại hóa sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại. “Thời gian tới, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quy mô, chất lượng sản phẩm, cũng như thương mại hóa sản phẩm, hình thành một quy trình hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ khi còn là cơ sở sản xuất nhỏ đến khi phát triển thành doanh nghiệp. Từ đó, góp phần hình thành, xây dựng thành những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mang thương hiệu TP. Đà Nẵng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ nói.