Thứ tư 18/12/2024 10:32

Thừa Thiên Huế: Sản phẩm OCOP góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế phát triển có trọng tâm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, đã góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Thừa Thiên Huế: Quy hoạch Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây vào nguồn quốc gia Thừa Thiên Huế: Đưa nông sản, đặc sản đến gần với sàn thương mại điện tử Thừa Thiên Huế: Nông sản, đặc sản ngày càng khẳng định thương hiệu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, Chương trình OCOP được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2018 theo khung chương trình chung của cả nước phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thừa Thiên Huế: Sản phẩm OCOP góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương thực hiện tốt chương trình OCOP, sản phẩm phong phú và chất lượng. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Theo đánh giá, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trong cả nước làm tốt chương trình OCOP, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Điển hình như xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), năm 2020, sản phẩm trà rau má của Quảng Thọ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh 4 sao. Sau đó, xã Quảng Thọ đã phát triển nhiều mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, cho thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, đến đầu tháng 10/2024, xã Quảng Thọ hoàn thành 75/75 chỉ tiêu NTM nâng cao, trở thành xã đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Hay mới đây, trong lộ trình thực hiện chương trình NTM, UBND xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Sau khi làng bún Vân Cù được công nhận làng nghề truyền thống, khẳng định được thương hiệu, xã đã tích cực vận động, hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất bún, như: Máy ép bún bán thủ công, máy đánh bột, máy làm gạo… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường. Cùng với đó, UBND xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất bún Vân Cù để từng bước đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.

Sau quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng, các sản phẩm bún tươi, bún khô làng Vân Cù được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng và được người tiêu dùng ngoại tỉnh ưa chuộng.

Thừa Thiên Huế: Sản phẩm OCOP góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Nhiều nông sản, đặc sản của địa phương thu hút người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Nguyễn Hồng Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn - cho biết, với thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao, mỗi ngày, các lò bún trên địa bàn xã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún các loại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, doanh thu hàng năm của làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao.

Theo Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai từ năm 2018, với trọng tâm “phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương”. Chương trình là hướng đi phù hợp nhằm phát triển các sản phẩm nông đặc sản có quy mô, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh, đồng thời là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ông Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế - cho biết, tại Quyết định số 1974/QĐ-UBND ngày 18/8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 “ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống và phát triển nông thôn mới”. Thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các ban ngành, địa phương tiếp tục nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP; đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm, phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao; phát triển từ 2-3 điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

“Ngành nông nghiệp tiếp tục lồng ghép các chính sách hỗ trợ của nhà nước, như chính sách tín dụng; đào tạo nghề; trang thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi giá trị… để hỗ trợ chủ thể kinh tế đạt sao OCOP. Trong đó, quan tâm phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác đầu tư, đưa chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Lê Văn Anh cho biết thêm.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 90 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt sao OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia - sản phẩm Bún bò Huế gia vị hoàn chỉnh; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 20%); 68 sản phẩm đạt 3 sao (75,56%). Có 4 sản phẩm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Khu du lịch cộng đồng Anor tại A Lưới, du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông; du lịch sinh thái suối Tiên tại huyện Phú Lộc; dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh ở Quảng Điền.

Tin khác

Phiên bản di động