Chủ nhật 20/04/2025 08:05

Thị trường thời trang bền vững: Còn chỗ cho thương hiệu Việt?

Sự nở rộ của nguyên liệu, sản phẩm xanh cùng thái độ ưu ái rõ rệt của người tiêu dùng đã đẩy cuộc đua bền vững trong ngành thời trang ngày một gay gắt.
Phát triển thương hiệu thời trang Việt: Tháo gỡ nhiều rào cản Thương hiệu Việt lọt Top thương hiệu thời trang hàng đầu Đông Nam Á Doanh nghiệp thời trang nỗ lực xanh hóa chuỗi cung ứng

Các ông lớn đi đầu

Được cho là ngành tạo ra nhiều chất thải và tác động xấu tới môi trường toàn cầu, ngành dệt may đã buộc phải tuân thủ những quy định rất khắt khe và không chỉ từ các nhãn hàng mà thậm chí từ các thị trường nhập khẩu lớn.

Đứng ở khía cạnh tiêu dùng, người tiêu dùng trên thế giới cũng ngày một nghiêng về các sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, thời trang bền vững. Coherent Market Insights đã từng đưa ra con số dự báo rất đáng quan tâm: Năm 2023 thị trường thời trang bền vững toàn cầu có giá trị 7,8 tỷ USD, dự kiến phát triển nhanh chóng và tăng vọt lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, xu hướng đáng chú ý là thời trang tuần hoàn, ủng hộ việc tái sử dụng và tái chế quần áo để giảm chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thị trường dệt may, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, “trước khi nói tới tái chế, người tiêu dùng đang ưu ái hơn với việc giảm số lượng sản xuất thông qua việc tái sử dụng sản phẩm giữa các tầng lớp tiêu dùng để giảm lượng rác thải và điều này được cho rằng đó tiết kiệm hơn nhiều so với tái chế”, ông Lê Tiến Trường nói.

Sợi sản xuất từ lá dứa - bước tiến mới của ngành nguyen phụ liệu dệt may Việt Nam
Sợi sản xuất từ lá dứa - bước tiến mới của ngành nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tuần hoàn sản phẩm là khái niệm đang dần phổ biến, các nhãn hàng, thương hiệu thời trang lớn đã bắt nhịp rất nhanh và đưa ra nhiều bộ sưu tập mới, sản phẩm mới sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thân thiện môi trường.

Martin Margiela – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang bền vững đã tạo dựng dấu ấn bền vững bằng cách tái sử dụng quần áo và mang lại một sức sống mới bằng kỹ thuật phân hủy. Dior và Burberry đã nói không với nạn phá rừng nhằm giảm lượng khí thải, trong khi Prada cung cấp chiếc túi Hobo mang tính biểu tượng của mình bằng nylon tái chế và Versace nghiêm cấm sử dụng lông thú.

Mặc kệ chiến lược về giá, tính bền vững cũng đã chạm tới các thương hiệu thời trang nhanh. Ví dụ, Zara đã hứa cam kết sử dụng các vật liệu tái chế hoặc bền vững hơn như cotton, lanh và polyester, nhằm mục đích 100% hàng may mặc đều được làm từ các loại vải này vào năm 2025.

Còn chỗ cho doanh nghiệp Việt?

Thời trang bền vững nghe có vẻ đẹp đẽ nhưng là cuộc chiến với các nhãn hàng, thương hiệu. Bởi để có sản phẩm thời trang bền vững đòi hỏi phải có nghiên cứu rất kỹ, ứng dụng công nghệ cao và thậm chí phải chịu bù lỗ cho mặt hàng này trong nhiều năm.

Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước Viramie có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm.
Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước Viramie có công suất 10.000 cọc sợi/năm. Ảnh minh họa

Ông Lê Tiến Trường cũng chỉ ra, thị trường dệt may thế giới đang nổi lên xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn nhưng đó là chiến lược dài hạn. “Trong thực tế mấy năm trở lại đây, sản lượng tăng lên của sản phẩm xanh không nhiều. Thậm chí năm 2024 sản lượng tiêu thụ mặt hàng quần áo xanh và từ nguồn nguyên liệu tái chế thấp hơn 2023”, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói.

Có thể thấy thời trang bền vững, sinh thái hay tuần hoàn đã ở tương lai rất gần nếu doanh nghiệp trong nước không bắt đầu chinh phục ngay từ hôm nay thì không bao giờ chạm đích, thậm chí sẽ dễ dàng bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Tại thị trường trong nước, đã có nhiều sản phẩm dệt may được nghiên cứu sản xuất ra từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế. Có thể kể tới áo may từ vải làm từ bã cà phê của Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang – Faslink; vải từ vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen, chai nhựa PET, vải từ lá dứa, cây gai xanh… Những sợi, vải xanh được xử lý bằng công nghệ hiện đại có tính ứng dụng cao với nhiều tính năng nổi trội, màu sắc đa dạng và chất liệu mới mẻ.

Đáng nói, những nguyên liệu trên được doanh nghiệp trong nước liên kết sản xuất với quy mô lớn. Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang từng chia sẻ, sản xuất xanh, sản phẩm xanh không còn là định hướng mới của ngành, mà là hướng đi bắt buộc để thích nghi với thời trang toàn cầu. Và để ngành thời trang không trở nên ‘chậm nhịp’ so với thế giới, từ kiểu dáng thiết kế cho đến nguyên vật liệu, cần có ‘nhịp đập chung’ của bất kì mắc xích nào trong chuỗi giá trị.

Như vậy có thể thấy, thị trường thời trang bền vững toàn cầu không quá mới nhưng cũng chưa phải đã ổn định thị phần, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chen chân còn lớn nếu đủ đam mê và tham vọng.

Doanh nghiệp Việt đã bắt tay nhau để nâng cao sản lượng sợi, vải sản xuất từ nguyên liệu thân thiện môi trường, tạo ra nguồn cung nguyên phụ liệu đa dạng cho các nhà thiết kế thời trang, doanh nghiệp trong nước sáng tạo và mang sản phẩm thương hiệu Việt chinh chiến ở các thị trường lớn.

Tin khác

Phiên bản di động