Cần một chiến lược toàn diện trong xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam Phát triển thương hiệu sầu riêng Di Linh đạt chất lượng, hiệu quả cao |
Gần đây, Tổng Công ty May 10- CTCP đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm phát triển sản phẩm veston May 10. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, trong 2 thập kỷ qua, sản phẩm veston của May 10 được xuất khẩu tới các thị trường lớn, “khó tính” trên thế giới như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng sau 20 năm, sản lượng veston xuất khẩu của May 10 đạt gần 24 triệu sản phẩm với giá trị gần 250 triệu USD. Sản lượng và doanh thu veston hiện nay tăng gấp hơn 14 - 16 lần so với năm 2004.
May 10 cũng trở thành địa điểm đặt hàng quen thuộc của nhiều nhãn hiệu veston cao cấp như: Hilton, Savilerow, Black Label, The Scotch House, Paul Stuart…
Phát triển thương hiệu thời trang Việt cần tháo gỡ nhiều rào cản. Ảnh: Hải Linh |
Không chỉ May 10, những năm qua, cũng đã có những doanh nghiệp dệt may trong nước như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, Đức Giang nỗ lực phát triển thương hiệu riêng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thương hiệu thời trang Việt mới đang “thành hình” tại thị trường trong nước, mà chưa có vị trí trên thị trường quốc tế. Nguyên do, chưa được cơ quan quản lý nhà nước dành sự quan tâm đúng mức, doanh nghiệp trong nước lại chưa đủ “lực”.
Để định hình thương hiệu thời trang Việt trên thị trường thế giới cần hoạch định, chọn ra sản phẩm xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó có chiến lược phát dài hạn trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí là trong 50 - 100 năm tới
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng nhận định, bản chất thương hiệu không phải của doanh nghiệp mà là của một quốc gia. Để thời trang Việt xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia có độ nhận diện cao, trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước phải hoạch định ra sản phẩm nào là sản phẩm đưa vào xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa ra thị trường thế giới.
Khi chọn được những thương hiệu cụ thể, nhà nước cần hoạch định cho việc hỗ trợ về tài chính, đồng thời đặt ra những mục tiêu cụ thể. Ví dụ, đưa ra lộ trình 5 năm tới phát triển thương hiệu thế nào, doanh thu ra sao; 10 năm tới phát triển thế nào, chiếm lĩnh thị trường khu vực nào...
Mặt khác, Chính phủ cũng sớm ban hành những định hướng tạo "sân chơi" cho các nhà thiết kế thời trang. Phải có "sân chơi" để họ trình diễn, giới thiệu những mẫu mã ra thị trường thế giới. Xây dựng trung tâm phát triển ngành công nghiệp thời trang, trung tâm về ý tưởng sáng tạo cho ngành thiết kế thời trang của Việt Nam. Định hướng này đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn để ngành triển khai thực hiện.
Cùng đó, hệ thống trường đào tạo cho công nghiệp thời trang chưa mang tầm chiến lược toàn ngành. “Chúng ta muốn làm gì thì cũng phải có nguồn lực nên Hiệp hội định hướng đào tạo nguồn nhân lực gắn với công nghiệp thời trang”, ông Vũ Đức Giang nói. Đồng thời cho biết, Việt Nam là nước có công nghiệp thời trang phát triển nhưng chưa đạt quy mô, tổ chức chuyên nghiệp.
Cùng đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu thời trang, việc chủ động nguồn nguyên liệu là vô cùng quan trọng. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ ban hành từ cuối năm 2022 có đề cập câu chuyện phát triển nguyên phụ liệu, song đến nay chưa đi vào thực tiễn đời sống.
Đồng thời, hoạch định rõ ràng tại các địa phương, ví dụ, miền Trung có bao nhiêu khu công nghiệp và phải có phân khúc dệt nhuộm; miền Nam và miền Bắc cũng tương tự. Các khu công nghiệp đó phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn mực xử lý nước thải để kêu gọi đầu tư vào phần dệt nhuộm đang thiếu.
Ngoài ra, nhắc tới định vị thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế, điều kiện cần và điều kiện đủ là phải hoạch định chiến lược kết nối giữa ngành công nghiệp kéo sợi, ngành công nghiệp dệt nhuộm và công nghiệp may.