Thứ năm 21/11/2024 16:55

Thấy gì từ loạt ngân hàng đạt Thương hiệu quốc gia?

Việc có đến 8 ngân hàng nhận được chứng nhận Thương hiệu quốc gia là một thành tựu đáng tự hào và là động lực để các ngân hàng tiếp tục phát triển bền vững.
Traphaco - doanh nghiệp 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Long An: 7 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia 2024 Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nỗ lực “xanh hoá”

Với chủ đề “Tiến vào Kỷ nguyên xanh”, Lễ Công bố sản phẩm và dịch vụ đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 diễn ra tại Hà Nội ngày 4/11 vừa qua, đã có 8 ngân hàng được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia năm 2024 gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Trong đó, Vietcombank đã 9 năm liên tiếp đạt danh hiệu này; VietinBank và BIDV đạt 8 lần liên tiếp; Agribank 4 lần; SeABank và OCB 3 lần liên tiếp; TPBank 2 lần và HDBank lần đầu tiên đạt danh hiệu này.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - khẳng định, việc nhận được chứng nhận sản phẩm Thương hiệu quốc gia giúp các ngân hàng nâng cao uy tín, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh; đồng thời, cũng cho thấy sự ghi nhận đánh giá cao của các cơ quan Bộ ngành và cộng đồng với thương hiệu của sản phẩm thuộc lĩnh vực ngân hàng. Đây là một thành tựu đáng tự hào và là động lực để các ngân hàng tiếp tục phát triển bền vững.

“Thương hiệu quốc gia giúp nâng cao hình ảnh, uy tín và độ tin cậy của các ngân hàng. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia là minh chứng rõ ràng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các nhà băng. Việc được công nhận là Thương hiệu quốc gia sẽ giúp các ngân hàng tăng cường nhận diện thương hiệu trong lòng công chúng, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Khách hàng sẽ có xu hướng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng đã được nhà nước công nhận, từ đó tăng cường lòng trung thành của khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới, đặc biệt là các thị trường khó tính, nơi mà chất lượng và uy tín được đặt lên hàng đầu; và mở rộng quy mô kinh doanh” - TS. Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Thấy gì từ loạt ngân hàng đạt Thương hiệu quốc gia?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024 và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao hoa chúc mừng cho Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh

Bên cạnh đó, Thương hiệu quốc gia giúp phát triển sản phẩm của các ngân hàng. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia là động lực thúc đẩy các nhà băng không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để duy trì vị thế và danh tiếng của mình. Thành công của một sản phẩm được cấp chứng nhận Thương hiệu quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Đồng thời, để duy trì chứng nhận, các nhà băng này buộc phải liên tục cải tiến quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cuối cùng, các nhà đầu tư thường ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có uy tín và tiềm năng phát triển. “Chứng nhận Thương hiệu quốc gia sẽ giúp các ngân hàng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư” - ông Hùng nói.

Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số lượng 8 ngân hàng đạt Thương hiệu quốc gia vẫn là con số nhỏ. Theo ông, còn nhiều tổ chức tín dụng rất có uy tín và được người dân tin dùng nhiều sản phẩm dịch vụ cũng có thể đạt Thương hiệu quốc gia, nhưng chưa rõ lý do tại sao các tổ chức tín dụng này chưa đạt. Bởi thực tế hiện nay các ngân hàng tập trung nguồn lực chuyển đổi số, đổi mới phong cách giao dịch, coi khách hàng là trung tâm… Vì vậy ngân hàng nào cũng nâng cao tiện ích phục vụ khách hàng với chất lượng tốt nhất, an toàn nhất và cố gắng tạo niềm tin với khách hàng.

Thấy gì từ loạt ngân hàng đạt Thương hiệu quốc gia?
Đại diện Vietcombank, ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc nhận biểu trưng vinh danh từ Ban tổ chức chương trình Thương hiệu quốc gia

Là ngân hàng duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia qua tất cả các kỳ bình chọn từ năm 2003 đến nay, lãnh đạo Vietcombank chia sẻ, với việc đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 9, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng dẫn đầu hệ thống về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Với định hướng đến năm 2030 giữ vững vị trí ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank đặt mục tiêu dẫn đầu về quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) thông qua Hệ thống Quản lý Môi trường Xã hội (ESMS) và Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường Xã hội theo định hướng các Chỉ số Phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ tiêu chuẩn VNSI, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về ESG theo các chuẩn mực quốc tế.

Lãnh đạo ngân hàng đầu tiên đạt danh hiệu này - HDBank cho hay, năm 2024, HDBank tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển xanh và bền vững, không ngừng tích hợp công nghệ số nhằm phục vụ nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ tại các khu vực nông thôn và đô thị đang phát triển. Kết quả kinh doanh của HDBank cũng nổi bật với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 12.655 tỷ đồng, các chỉ số ROE và ROA (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trên tài sản) thuộc nhóm dẫn đầu ngành, phản ánh sức mạnh tài chính bền vững và năng lực quản lý rủi ro hiệu quả. Ngân hàng cũng tiên phong trong việc thành lập Ủy ban ESG để giám sát thực thi các sáng kiến bền vững, phát hành báo cáo phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Song hành cùng thành tựu kinh doanh, HDBank còn tích cực tham gia các chương trình xã hội với gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục kinh tế sau bão, và đóng góp 80 tỷ đồng vào chương trình xóa nhà tạm do Thủ tướng phát động.

Đại diện VietinBank chia sẻ, ngoài danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, VietinBank còn nhận nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín như: top 2.000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Forbes Global 2000), top 200 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance), giải thưởng Sao Khuê cho dịch vụ ngân hàng điện tử eFAST và iPay.

“Là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, đại diện VietinBank khẳng định, sẽ tăng tốc triển khai các chủ điểm kinh doanh trọng tâm để hoàn thành mục tiêu kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của ngành ngân hàng cũng như kinh tế xã hội đất nước” - đại diện VietinBank khẳng định.

Tin khác

Phiên bản di động