Thứ năm 21/11/2024 18:30

Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nỗ lực “xanh hoá”

Để nâng cao năng lực, 'chen chân' vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đang nỗ lực xanh hoá trong sản xuất và kinh doanh.
Vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm Phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp sau Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 SECOIN 5 lần liên tiếp được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ ở châu Âu, mà đang ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia. Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các thương hiệu Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, các thương hiệu được xây dựng gắn với các giá trị phát triển xanh sẽ hưởng lợi thế tiên phong trong lĩnh vực này trên thị trường.

Đáng lưu ý, chuyển đổi xanh cũng là chủ đề trong Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024. Chia sẻ về chủ đề năm nay, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số gần như trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp, đặc biệt khi xuất khẩu sang một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Theo đó, nếu doanh nghiệp không chủ động thích ứng kịp thời với kinh tế thế giới, những quy định như CBAM, EUDR… sẽ ngăn doanh nghiệp chúng ta tham gia vào chuỗi cung toàn cầu. "Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải có yếu tố tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, nhất là với những yêu cầu mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Việt Nam có thể vươn mình hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta tập trung tốt cơ hội để có thể chuyển đổi nhanh sang xanh, sang số”, ông Phú nhấn mạnh.

Gạch không nung Secoin
Nhiều sản phẩm gạch của SECOIN (1 trong 190 doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024) đáp ứng ngày càng cao như cầu thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Đỗ Nga

Xác định luôn tiên phong đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường, và cũng vinh dự là 1 trong 190 doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 - bà Đinh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN cho biết, về góc độ doanh nghiệp, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ là câu chuyện về chất lượng sản phẩm mà còn là cách thức doanh nghiệp truyền tải giá trị của mình đến khách hàng và đối tác. Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã giúp Secoin tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng.

"Chúng tôi tin rằng giá trị của thương hiệu không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở khả năng đồng hành cùng người tiêu dùng, mang lại những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển bền vững" - Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN nhấn mạnh và khẳng định, với chủ đề của Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 là “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh”, SECOIN không chỉ cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn hướng tới sự phát triển bền vững. Chủ đề này thể hiện thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, khẳng định quyết tâm của SECOIN trong việc tham gia vào xu hướng phát triển xanh toàn cầu, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, hài hòa với tự nhiên và môi trường.

Cũng vinh dự là một trong những doanh nghiệp được công nhận Thương hiệu quốc gia năm nay, Công ty Nhựa Duy Tân (DUYTAN) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa công nghệ cao tại Việt Nam. Chia sẻ với Báo Công Thương, đại diện DUYTAN cho biết, với sứ mệnh giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế, DUYTAN đã không ngừng nỗ lực để đạt được những thành tích nổi bật trong các năm qua.

Đặc biệt, trong xu hướng “Sản xuất và sử dụng bao bì bền vững” của thế giới, DUYTAN đã và đang hợp tác với nhiều đối tác toàn cầu để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe. Nổi bật là các sản phẩm bao bì nhựa tái sinh/nhựa tái chế (PRC, rPET, rPP) như bình nước, bình đựng dầu nhớt, hộp mỹ phẩm; cải tiến giảm nhựa ở nắp chai, giảm nhựa ở khâu đóng gói… cho các đối tác Nestlé, Motul, Muji…

Mới đây, doanh nghiệp cũng đã sản xuất thành công loại nắp dính liền chai giúp việc phân loại và xử lý tái chế nhựa thuận lợi hơn, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi cá nhân. Cải tiến này cũng đáp ứng tiêu chuẩn bao bì mới của EU (năm 2024), giúp các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

“DUYTAN cam kết nỗ lực tiên phong không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn trong thúc đẩy một tương lai xanh và bền vững” - đại diện DUYTAN nói.

nhựa Duy Tân
DUYTAN là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa công nghệ cao tại Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga

Theo Bộ Công Thương, các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn. Trong đó, khách hàng cũng ngày càng chuộng các sản phẩm xanh, thậm chí sẵn sàng lựa chọn mua các thương hiệu mà họ cho rằng đang đóng góp tích cực cho xã hội hay môi trường.

Nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, tại Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Ví dụ, với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng của các thương hiệu xanh nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.

Cũng theo Nielsen, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.

Theo đó, các chuyên gia thương hiệu cho rằng, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Tin khác

Phiên bản di động