Thứ năm 21/11/2024 18:21

Gỡ khó cho sản phẩm OCOP Lai Châu thâm nhập vào hệ thống phân phối nước ngoài

Tỉnh Lai Châu đang đặt mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP đặc sản vào hệ thống phân phối nước ngoài thông qua hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…
Sản phẩm OCOP Thanh Hóa vươn xa nhờ ứng dụng công nghệ số Đưa sản phẩm nông sản đến gần hơn khách du lịch Nhiều thương hiệu nông sản, thực phẩm sạch hội tụ tại Thanh Hóa

Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm Lai Châu đã đạt những kết quả đáng kể, đến nay tỉnh đã có 215 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, điển hình: Trà cổ thụ, trà Oolong, trà kim tuyên, trà đông phương mỹ nhân, trà matcha,...; gạo Tẻ Râu, gạo Séng cù, gạo nếp tan Co giàng, gạo nếp tan pỏm Tà Hừa, mật ong nuôi tự nhiên (hiện nay có khoảng 1.700 cơ sở sản xuất mật ong nuôi tự nhiên dưới tán rừng). Ngoài ra tỉnh có 30 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Để sản phẩm OCOP Lai Châu thâm nhập vào hệ thống phân phối nước ngoài
Các sản phẩm gạo: Tẻ tròn, lứt séng cù, séng cù của Công ty TNHH MTV Dũng Long đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Lai Châu. Ảnh Cổng thông tin điện tử Lai Châu

Trong đó có 5 sản phẩm, bộ sản phẩm được được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực; 3 sản phẩm, bộ sản phẩm được được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia.

Tuy nhiên, để các chủ thể OCOP duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm trong những năm tiếp theo, các cấp, các ngành và địa phương cần ưu tiên một số giải pháp nhất định, trong đó việc nâng cao nhận thức của người dân và chủ thể về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP, chất lượng hàng hóa sản phẩm OCOP là chìa khóa trong việc xây dựng thương hiệu, coi thương hiệu là niềm tự hào, tự tôn của quê hương.

Chị Trần Thị Thu Trang, chủ cơ sở Nhà Sàn Núi Trúc, phường Đoàn Kết cho biết: “Cuối năm 2023 vừa qua, cơ sở chúng tôi đăng ký đánh giá, phân hạng 4 sản phẩm đặc trưng của Tây Bắc, trong đó, có sản phẩm thịt trâu sấy A Lử Food được công nhận đạt OCOP 3 sao. Với sản phẩm này, để được lan truyền đến mọi người không chỉ vùng Lai Châu mà còn đến vùng khác trên toàn quốc, ngoài mẫu mã, bao bì đã thiết kế, theo tôi khâu quan trọng nhất là quá trình marketing. Hiện nay, ngoài marketing truyền thống ra, thì thời buổi công nghệ 4.0, marketing trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Bản thân là chủ thể sản phẩm, tôi cũng phải học hỏi và tiếp thu rất nhiều các kiến thức khác nhau”.

Sẵn sàng đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại

Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm OCOP, giúp người dân nâng cao thu nhập, tại tọa đàm “Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài”, Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu - ông Vương Thế Mẫn cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… Ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững; phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".

Mặt khác, tỉnh Lai Châu cũng sẽ khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP của thành phố Lai Châu trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đằng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh với phương châm: “Doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển". Để Lai Châu thực sự là điểm đến tin cậy và hấp dẫn của các nhà đầu tư, tỉnh Lai Châu.

Lai Châu hiện là thị trường nhỏ nhưng tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP đặc sản, đặc biệt có giá trị vào hệ thống phân phối hiện đại nước ngoài. Có thể nói, Lai Châu được ví như một cô gái đẹp đang ngủ, chờ các công tử là các nhà đầu tư đến đánh thức và làm bạn”, ông Vương Thế Mẫn nhận định.

Để sản phẩm OCOP dễ dàng thâm nhập vào các hệ thống phân phối nước ngoài, Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, tỉnh Lai Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tạo mọi điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách, ưu đãi cao nhất của tỉnh.

Thứ hai, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy quá trình giải quyết các thủ tục thuế, hải quan thuận lợi, nhanh chóng.

Thứ tư, cung cấp lực lượng lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư; đồng thời hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động.

Thứ năm, đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đền với Lai Châu.

Với tiềm năng to lớn của các sản phẩm OCOP đặc sản, tỉnh Lai Châu đang nỗ lực đưa những sản phẩm này vươn tầm quốc tế. Bằng cách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và cải thiện quy trình vận hành, Lai Châu đặt mục tiêu tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. Việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối nước ngoài không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần quảng bá văn hóa và sản vật độc đáo của Lai Châu đến bạn bè quốc tế.

Tin khác

Phiên bản di động