Sơn La: Phát triển nông sản chất lượng cao gắn với thương hiệu địa phương Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia cần bắt đầu từ đâu? |
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Song hành với Hội nghị là hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đã thu hút 216 đơn vị tham gia với 260 gian hàng. Sự kiện được kéo dài đến hết ngày 28/10/2024; đây là 'cơ hội vàng' để các đơn vị sản xuất quảng bá và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP đến từ mọi miền Tổ quốc.
Trong đó, 27 huyện, thị xã, thành phố có 49 gian hàng; tổ chức hiệp hội ngành hàng trong tỉnh 14 gian hàng; các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh khoảng 124 gian hàng và 73 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Nam, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nam, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Thái Nguyên, Nghệ An, Nam Định, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận, Thái Bình và TP Hồ Chí Minh...
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Lê Hợi |
Đây chính là dịp để các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp và địa phương trong và ngoài tỉnh có cơ hội giao lưu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn của mình đến với người tiêu dùng. Doanh nghiệp qua đó cũng có cơ hội nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tham gia đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn lần này, HTX Mắc ca Thành Phát ở xã Cát Vân, huyện Như Xuân tiếp tục giới thiệu những hàng hóa quen thuộc như mắc ca sấy, mật ong hoa mắc ca, dầu mắc ca, rượu ngâm mắc ca. Các sản phẩm mới như chè khô Cát Vân, cam và hoa quả trồng trên đồi địa phương cũng được HTX trưng bày, mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đến từ thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp CNC Rich Farm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm mới là chè tâm sen, chè lá sen. Đây là những sản phẩm sản xuất từ địa phương, đã được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh phát triển. Được giới thiệu có tác dụng giúp ngủ ngon với người lớn tuổi, giảm mỡ máu với người béo, nên ngay từ khi mở cửa đón khách, gian hàng đã thu hút nhiều khách hàng quan tâm.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp CNC Rich Farm Lê Thị Vân, cho rằng: “Đợt trưng bày với cả nghìn sản phẩm năm nay đã nói lên sự phong phú của sản phẩm đặc trưng vùng miền xứ Thanh. Nó còn giúp các doanh nghiệp như chúng tôi khẳng định được chất lượng sản phẩm bởi phải đủ tiêu chí mới được trưng bày. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng, từ đó đổi mới sản phẩm cho phù hợp”.
Sự kiện là cơ hội để quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm sạch của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cũng là nơi để người dân 'thả ga mua sắm'. Ảnh: Lê Hợi |
Tại gian hàng huyện Nga Sơn, ngoài các sản phẩm truyền thống như dưa, hàng thủ công mỹ nghệ, huyện giới thiệu 3 sản phẩm vừa được tỉnh gửi hồ sơ trình Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia gồm: Bình cói Nga Sơn, bộ rổ cói Nga Sơn và đĩa cói Nga Sơn.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) Lê Ngọc Anh, doanh nghiệp đã có các sản phẩm mắm tôm, nước mắm bán tại hàng chục siêu thị trong nước, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, song vẫn quan tâm tham gia những đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.
“Sứ mệnh của chúng tôi là giới thiệu tài nguyên bản địa quê hương xứ Thanh ngày càng rộng khắp. Bởi, đằng sau chúng tôi là việc giải quyết đầu ra hải sản, việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn ngư dân. Cảm ơn lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong những năm qua”, ông Lê Ngọc Anh nói.
Nông sản của các tỉnh phía Bắc thu hút sự quan tâm của người dân. Ảnh: Lê Hợi |
Từ các tỉnh phía Bắc xa xôi như Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang đến gần hơn như: Nam Định, Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nam, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An cũng góp mặt với các gian hàng mang thương hiệu của địa phương.
Đặc biệt lần này, nhiều tỉnh thành phía Nam như Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận cũng đưa sản phẩm về giao lưu, trao đổi. Sẽ có nhiều doanh nghiệp các bên tìm hiểu, ký kết hợp tác cung ứng sản phẩm của nhau. Sự giao thoa này góp phần làm nên thành công của đợt giới thiệu, trưng bày sản phẩm cấp tỉnh nhưng đã vượt khỏi ranh giới địa phương.
Nông sản của các tỉnh khu vực Tây Nguyên tham gia trưng bày cũng thu hút người mua sắm. Ảnh: Lê Hợi |
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, trong năm 2024, công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được UBND tỉnh và các ngành có liên quan, địa phương quan tâm thực hiện, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Qua đó, các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Thanh Hóa đã được khách hàng nhiều nơi biết đến như: Nem chua, măng khô Mường Ca Da, gạo nếp Cay Nọi, gạo nếp hạt cau, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, nước mắm Lê Gia,...
Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Công tác chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có thêm 355 doanh nghiệp với 400 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 600 doanh nghiệp tham gia quảng bá bán hàng trên các sàn TMĐT với trên 1.050 sản phẩm các loại.
Thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh đã được phát triển sâu rộng, đến nay sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của Thanh Hóa đã có mặt ở gần 50 tỉnh, thành và đã xuất khẩu sang thị trường 20 nước, khu vực trên thế giới.