Bàn giải pháp 'mở cánh cửa' thị trường Halal cho nông sản Việt Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến người tiêu dùng Hà Nội |
Việc phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản sạch gắn với phát triển du lịch tại nhiều địa phương đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản.
Tại Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Lâm Đồng diễn ra tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nhiều ý kiến về phát triển đưa sản phẩm đặc trưng đến gần hơn với du khách đã được đại biểu, khách mời tham dự đưa ra.
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - cho rằng: “Lâm Đồng và Quảng Bình có nhiều nét tương đồng khi đều là các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch. Thời gian vừa qua, Quảng Bình đã đón gần 4 triệu lượt khách ghé thăm, do đó, các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch của tỉnh Lâm Đồng bày bán tại Quảng Bình không chỉ dành riêng cho người Quảng Bình mà còn dành cho du khách đến mua sử dụng và làm quà tặng. Đây là thị trường mở với rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho các mặt hàng nông sản, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP đến gần với du khách”.
Các nhà sản xuất tại Lâm Đồng giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng đến đại lý, đơn vị bán hàng tại Quảng Bình |
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu nên có nhiều lợi thế trong trồng trọt và sản xuất chế biến các mặt hàng nông sản chất lượng cao, có thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Lâm Đồng đã phát triển các sản phẩm được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và các sản phẩm có giá trị cao như: Trà, cà phê, mắc ca, ca cao, nước cốt trái cây, đông trùng hạ thảo, hồng Đà Lạt….. Các sản phẩm có mẫu mã đa dạng, phong phú đạt tiêu chuẩn theo quy định cũng như được người tiêu dùng bình chọn.
"Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức 4 đợt hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm. Qua các đợt tổ chức, giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất trao đổi học tập phương thức cách thức trong kinh doanh; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm của tỉnh với phương châm Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, phát huy lợi thế ở những địa phương có đặc điểm phát triển du lịch tương đồng” - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Khách du lịch tìm hiểu các sản phẩm OCOP, nông sản sạch tại cửa hàng OCOP ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình |
Anh Nguyễn Hữu Bằng - Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Nam Hà - cho biết: “Các sản phẩm hợp tác xã sản xuất là rau, củ sạch sấy bằng than hoa và bảo quản theo phương pháp cấp đông. Thời gian qua, chúng tôi đã không ngừng cải tiến chế biến các sản phẩm mới để phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Chúng tôi ưu tiên phát triển các sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, đóng gói bằng các chất liệu thân thiện với môi trường nhằm thu hút lượng khách du lịch mua và làm quà tặng”.
Theo anh Lê Hoàng Khang - đại diện Công ty TNHH Mật ong Thái Dương (Lâm Đồng): “Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, sáp ong đến với địa bàn Quảng Bình và khách du lịch ở đây. Tại cơ sở nuôi và sản xuất của chúng tôi ở Lâm Đồng, một ngày trung bình có hơn 200 khách du lịch ghé thăm và sử dụng thử sản phẩm”.
Bà Đinh Thanh Loan - Phó Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam - cho hay: Ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt thời gian qua, du khách đến với 2 địa phương Quảng Bình và Lâm Đồng với số lượng lớn dẫn đến nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực, mua sắm sản phẩm quà tặng là các sản phẩm sạch mang nét đặc trưng địa phương. Do đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và du lịch. “Các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa”- bà Loan chia sẻ.
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%. Do đó, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại hai tỉnh có thế mạnh về du lịch là Lâm Đồng và Quảng Bình cùng tổ chức các cuộc giao lưu hợp tác kinh tế, kết nối giao thương, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Đồng thời, trưng bày, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh tiêu biểu của địa phương để qua các kênh bán hàng đến gần hơn người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường khách du lịch tiềm năng ở hai địa phương này là điều rất cần thiết.