Thứ bảy 19/04/2025 08:58

Định vị ‘chắc’ hơn thương hiệu hàng Việt tại Úc

Thương vụ Việt Nam tại Úc có kế hoạch gắn kết sản xuất của doanh nghiệp hai nước nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thời định vị 'chắc' hơn thương hiệu hàng Việt ở Úc.
Nhiều thương hiệu nông sản, thực phẩm sạch hội tụ tại Thanh Hóa Nghệ An: Đưa thương hiệu trà Shan Tuyết Huồi Tụ vươn tầm thế giới Ưu tiên dùng hàng nội địa để thúc đẩy xây dựng thương hiệu Việt

Xúc tiến hợp tác sản xuất

Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho hay, trong thời gian gần, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Úc tăng lên gần 50%, nhiều mặt hàng tăng trưởng hết sức mạnh mẽ từ nông sản, thuỷ sản, nguyên vật liệu.

Thương vụ Việt Nam tại Úc có kế hoạch lâu dài nhằm gắn kết nền sản xuất của 2 nước, đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng để đảm bảo tính ổn định nguồn cung. Đồng thời gia tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại Úc”, ông Nguyễn Phú Hòa cho hay.

Ông Nguyễn Phú Hòa
Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc

Về công tác quảng bá sản phẩm và thương hiệu hàng Việt trên đất Úc, đại diện Thương vụ Việt Nam tai Úc thông tin, Thương vụ tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm quốc tế lớn ở nước sở tại, cung cấp gian hàng để doanh nghiệp Việt gửi hàng hoá miễn phí. Cung cấp thông tin mới về thị trường, chính sách cho các hiệp hội ngành hàng trong nước theo dõi, điều chỉnh sản xuất kinh doanh phù hợp. Thương vụ cũng có showroom tại Sydney và một số bang giúp quảng bá thông tin và sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2025 chúng tôi mong muốn có đầy đủ danh sách hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ để phân loại theo nhóm ngành hàng và giới thiệu cho từng đối tác phù hợp”, ông Nguyễn Phú Hòa bày tỏ.

Mặt khác, Thương vụ có liên kết mạnh mẽ với các hệ thống phân phối tại Úc, ngay cả với chính quyền ở các đảo xa nhằm đưa hàng hóa Việt tiếp cận gần hơn với người dân Úc. “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương trong thúc đẩy dư địa thị trường, Thương vụ đã đưa được gạo của Việt Nam ra một số đảo xa trung tâm của Úc, trong đó có đảo Tasmania. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi cũng thuyết phục người dân đảo thử ăn gạo ST25 để có trải nghiệm về Việt Nam”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc chia sẻ.

Bên cạnh thực hiện công tác quảng bá sản phẩm theo phương thức truyền thống, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện chiến dịch quảng bá lớn liên quan sản xuất xanh của Việt Nam, tổ chức dùng thử sản phẩm nông, thủy sản.

Tiếp tục khẳng định thương hiệu hàng Việt

Những năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả nhằm xây dựng, đồng thời quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam ở thị trường nước sở tại. Nhờ những nỗ lực này nhiều hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường Úc.

Định vị ‘chắc’ hơn thương hiệu hàng Việt tại Úc
Thương vụ Việt Nam tại Úc đã triển khai nhiều hoạt động mở thị trường cho sầu riêng Việt Nam . Ảnh minh họa

Sầu riêng Ri6 là một điển hình. Bắt đầu bằng việc nghiên cứu loại sầu riêng để cạnh tranh với các loại hàng hóa khác trên thị trường, sau khi phân tích sản lượng, chất lượng và tên gọi giống, Thương vụ chọn sầu riêng Ri6 và nhờ một nhà nhập khẩu quen tại Úc nhập 1/2 tấn sầu riêng Việt để thực hiện chương trình quảng bá sầu riêng Ri6 trên đường phố Sydney, nhất là tại các khu vực trung tâm như Nhà hát Con sò, quảng trường lớn để gây chú ý truyền thông, cũng như để các cửa hàng thăm dò thị trường…

Năm 2020, Thương vụ vận động Công ty Asean đưa đồng loạt vào các cửa hàng siêu thị với sầu riêng đông lạnh nguyên quả. Từ sự kiện này, cùng với các tuần lễ quảng bá, vận động liên tục, sầu riêng Ri6 đã có vị trí tại Úc.

Ngoài ra, bằng những cách thức phù hợp Thương vụ Việt Nam đã giúp dừa, gạo, vải của doanh nghiệp trong hiện diện và được ưa chuộng trên thị trường Úc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Hòa, Úc chỉ cho nhập 4 loại quả tươi từ Việt Nam là xoài, nhãn, vải, và thanh long. Dân số Úc không lớn, nước này lại trồng được đủ loại và là địa bàn cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu tương đồng, nên Thương vụ phải liên tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu mặt hàng mới, như: Ngô nếp hấp đông lạnh, chanh leo đông lạnh, xoài xanh, gừng đông lạnh, nhãn, hồng xiêm đông lạnh, bơ đông lạnh…

Trong giai đoạn tới, Thương vụ Việt Nam sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hai nước mua cổ phần của nhau, tham gia các dự án của nhau, qua đó thương hiệu sẽ được tiếp cận một cách tin tưởng. Đồng thời, kêu gọi các siêu thị Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp, kiều bào mở thêm nhiều cửa hàng, trung tâm phân phối. Nếu siêu thị Việt Nam có thể ra nước ngoài sẽ là kênh xây dựng thương hiệu và phát triển xuất khẩu rất tốt cho hàng Việt. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chất lượng sản phẩm cần đồng nhất và có quy định về tiêu chuẩn phân loại.

Thương vụ Việt Nam tại Úc có kế hoạch hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước nhằm gia tăng nguồn cung đồng thời tạo độ ‘chắc’ hơn cho thương hiệu hàng Việt trên thị trường sở tại.

Tin khác

Phiên bản di động