Điểm tên những thương hiệu quốc gia được định giá tỷ USD Quảng Ninh: Nỗ lực đưa thương hiệu địa phương vươn tầm quốc tế |
3 lợi ích sử dụng hàng Việt Nam
Được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với mỗi người tiêu dùng Việt Nam về trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ do người Việt Nam làm ra, qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên về chất lượng, cải tiến công nghệ, xây dựng thương hiệu Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Thương hiệu Việt đang dần khẳng định vị thế trên thị trường nội địa. Ảnh: ST |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mang lại 3 lợi ích căn bản, bao gồm: Thứ nhất, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Việc tiêu thụ hàng Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu ngân sách. Đây chính là cách mà mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, bằng hành động cụ thể của mình, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
“Khi chúng ta mua sản phẩm được tạo ra bởi doanh nghiệp Việt, của người Việt, sản xuất trên đất nước Việt Nam, chúng ta đang góp phần nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và hơn thế nữa là góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững. Mỗi sản phẩm Việt Nam được người Việt ưu tiên lựa chọn sẽ là một viên gạch nhỏ, góp phần xây nên một doanh nghiệp mạnh, một thương hiệu vững bền, một đất nước thịnh vượng” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Thứ hai, khích lệ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự ủng hộ của người tiêu dùng là động lực to lớn để các doanh nghiệp Việt cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những thương hiệu Việt có tính cạnh tranh cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Thứ ba, góp phần gìn giữ bản sắc, truyền bá văn hóa, tạo dựng và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hàng hóa Việt Nam không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện bản sắc và phẩm chất người Việt. Việc sử dụng hàng Việt không chỉ là một hành động kinh tế, mà còn là một hành động thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nâng cao tính cộng đồng, là cách để chúng ta bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Xe ô tô VinFast khẳng định thương hiệu tại thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: VF |
Thương hiệu Việt đang dần khẳng định vị thế
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có thương hiệu bắt đầu tư con số 0, nhưng với tầm nhìn táo bạo, khả năng thích ứng đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường quốc tế, đó là VinFast, chỉ sau 5 năm hoạt động, không chỉ là hãng xe hơi số 1 tại thị trường nội địa, mà còn tạo ra một bước tiến mạnh mẽ vươn tầm quốc tế.
“Thành tựu bước ngoặt của VinFast cũng phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Người Việt đã có niềm tin và sẵn sàng đón nhận những sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường, với chất lượng cạnh tranh quốc tế từ các doanh nghiệp trong nước” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Về câu chuyện của ngành tôm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong gần 3 thập kỷ qua, nghề nuôi tôm của Việt Nam đã chuyển mình theo phương thức từ nuôi quảng canh, đến bán thâm canh, rồi thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao. Hiện nay, tôm luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp đất nước, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2024 đạt khoảng 5 tỷ USD. Gần 3 thập kỷ qua các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chủ động các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm như: Sản xuất tôm giống, thuốc điều trị bệnh tôm, vùng nuôi tôm thương phẩm và chế biến tôm xuất khẩu. Thế nhưng, vẫn còn một lĩnh vực là thức ăn tôm - vật tư chiếm 50% giá thành sản xuất, thì gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam ta vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Sự ra đời của thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của người Việt GrowMax vào tháng 6/2020 cùng với sự khẳng định về chất lượng đã được hầu hết khách hàng nuôi tôm trên cả nước và khách hàng quốc tế công nhận là một minh chứng rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm.
Mặc dù mới ra đời được gần 5 năm, nhưng GrowMax đã quy tụ được đội ngũ hùng hậu các chuyên gia, kỹ sư lành nghề, phát triển một cách mạnh mẽ và đạt những thành tựu đáng tự hào, đưa GrowMax vượt qua 18 thương hiệu quốc tế lâu năm khác để vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc cả về sản lượng và thị phần.
Theo các chuyên gia, để những thương hiệu như VinFast, GrowMax có được sự tin yêu của người tiêu dùng trong nước, bản thân các doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực, bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn… chính điều này đã giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, từ sự nghi ngờ chuyển sang tin tưởng và tự hào về một thương hiệu Việt. Tuy vậy, để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, bản thân các doanh nghiệp hãy tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, để hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam thực sự trở thành sự lựa chọn hàng đầu vì đáp ứng được mọi tiêu chí của một sản phẩm chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn vì lòng yêu nước.