Chiều 29/11, ông Hoàng Trọng Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, là một tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản với các sản phẩm có giá trị cao, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: Cà phê, trà, Atiso, các loại hoa, rau, củ, quả và sản phẩm từ khoáng sản…
Đặc biệt, du lịch Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa cồng chiêng, nhiều kiến trúc độc đáo. Các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; tuy nhiên, Lâm Đồng có vị trí địa lý nằm cách xa các trung tâm phân phối, tiêu thụ lớn, không có tuyến huyết mạnh giao thông quốc gia trọng điểm, không có cảng biển, không có đường biên giới nên phần nào giảm khả năng cạnh tranh của Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây nguyên nói chung.
Một buổi tập huấn cho doanh nghiệp, đoàn thanh niên về Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định RCEP...tại Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Theo ông Hiền, hiện nay trong bối cảnh thương mại hiện đại, toàn cầu, biên giới địa lý đang dần được xóa bỏ, không còn xem là một trở ngại lớn, từ đó đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa tiếp cận thị trường và vươn xa ra thị trường thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải hiểu sâu rộng việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định RCEP… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm vững nội dung cam kết, lộ trình thực hiện, từ đó định hướng, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu tại địa phương.
Những năm qua, kinh tế - xã hội Lâm Đồng phát triển tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập và đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá, bình quân 5 năm (2021 – 2025) tăng 6,74%, trong đó năm 2024 ước tăng 5,3%; việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang tác động tích cực đến nền kinh tế của cả nước trong đó có tỉnh Lâm Đồng như sản lượng xuất khẩu của tỉnh ngày càng tăng.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Lâm Đồng đạt 985,8 triệu USD (tăng 6,1% so với cùng kỳ), với sự phục hồi mạnh mẽ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đặc biệt, giá trị nhiều mặt hàng xuất khẩuchủ lực của tỉnh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như Alumin (+21%), rau quả (+19,5%), cà phê (+10,3%), hoa (+7,3%). Nếu như trước đây thị trường xuất khẩu của Lâm Đồng chủ yếu là Nhật Bản, Nga, Đài Loan, Trung quốc và các nước EU thì ngày nay, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng có mặt ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó tập trung ở các thị trường khó tính như khu vực Đông Á, Châu Âu với các mặt hàng nông nghiệp đặc trưng như cà phê, rau, hoa, sản phẩm may mặc.
Tuy nhiên, phải thấy rằng cơ hội luôn đi cùng thách thức, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Việc áp dụng các Hiệp định một cách thông minh để tối đa hóa lợi ích là bài toán cho tất cả chúng ta, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của các Hiệp định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.
“Muốn vậy, tôi cho rằng trước hết chúng ta phải hiểu rõ, hiểu đúng và hiểu nhất quán các cam kết của các Hiệp định; đồng thời, Lâm Đồng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh và mong muốn các doanh nghiệp sẽ tận dụng được những lợi thế mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại” – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.