Chiều 22/11, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo các liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm cung ứng ra thị trường đáp ứng nhu cầu, kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; nông dân sản xuất nông nghiệp có đầu ra ổn định, hợp tác xã tổ chức sản xuất theo đơn hàng, doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp kịp thời phù hợp thị trường.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ảnh: Lê Sơn |
Việc xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo các quyết định, đề án của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm tỉnh Lâm Đồng đều bố trí ngân sách và lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện. Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp từ chủ trương định hướng, xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực để thực hiện phát triển chuỗi liên kết.
Lâm Đồng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định, bền vững và ưu tiên hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Sơn |
Các liên kết hình thành bên cạnh việc ổn định tiêu thụ nông sản, hướng người nông dân đến việc sản xuất theo kế hoạch; doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được kế hoạch sản xuất theo tín hiệu thị trường, theo đơn hàng, chủ động cùng nông dân nâng cao chất lượng, đa đạng mẫu mã, chủng loại nông sản, quản lý chất lượng đồng bộ, theo tiêu chuẩn, hiện đại quá trình sơ chế, bảo quản, đồng thời có sự giám sát của cơ quan chức năng. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của các liên kết chuỗi.
Sản phẩm “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ảnh: Lê Sơn |
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cần phải củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam, thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững tại địa bàn nông thôn. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, đã thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 03 trung tâm thương mại, 04 siêu thị tổng hợp và hàng ngàn cửa hàng tiện ích. Tại đây hàng hóa Việt rất phong phú, đa dạng được trưng bày, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân đã tạo thuận lợi cho việc phân phối hàng Việt.
Hàng hoá tại siêu thị GO! - Đà Lạt luôn dồn dào và đa dạng mẫu mã, ưu tiên bán hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Sơn |
Đồng thời, thiết lập các kênh phân phối, nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với du khách và người tiêu dùng, trong những năm qua, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện xây dựng và nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, điểm giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đến nay, đã triển khai xây dựng và nhân rộng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt; 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành tại TP. Đà Lạt; 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại TP. Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương.
Đáng chú ý, ngày 5/12/2024 tới đây, Sở Công Thương căn cứ hướng dẫn và hỗ trợ từ Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đam Rông triển khai Xây dựng 01 mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp trong tỉnh, hàng năm thiết lập và phát triển các điểm bán hàng đối với sản phẩm do mình sản xuất tại thị trường trong và ngoài tỉnh như: Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… với các sản phẩm như nông sản chế biến, đông trùng hạ thảo, các loại trà, cà phê, nước cốt trái cây,…
Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước và tiêu thụ hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, qua đó, đã giúp người dân nông thôn tiếp cận trực tiếp với hàng Việt, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa.