Thứ hai 28/04/2025 17:37

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là cách để thương hiệu quốc gia bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xây dựng thương hiệu xanh bắt đầu từ quyết tâm của chủ doanh nghiệp Tọa đàm ''Xu hướng 'xanh hoá' trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức'' diễn ra chiều 18/11 Thấy gì từ việc thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD?

Chuyển đổi xanh góp phần nâng vị thế thương hiệu quốc gia

Theo Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%.

Trong đó, năm 2019, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục hai con số về giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 được Brand Finance xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá, thay vì xếp thứ 32/100 quốc gia được đánh giá năm 2022.

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới
Chuyển đổi xanh là yếu tố cần thiết trong việc nâng hạng và định vị thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa:Thu Hường

Việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, việc định vị thương hiệu quốc gia thông qua chuyển đổi xanh đã và đang được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ.

Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.

Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Nhận thức về ý nghĩa vai trò về thương hiệu, các doanh nghiệp các cấp, các ngành đã thể hiện qua sự quan tâm, sự hợp tác. Minh chứng trong năm 2024 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia gấp 6 lần so với năm 2003. Ngay như bộ tiêu chí của Thương hiệu quốc gia, chúng tôi cũng đề cập đến công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất xanh, đưa ra tiêu chí trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp xã hội bao gồm các vấn đề: Bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, thuế…để hướng tới kỷ nguyên xanh.

Theo ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay: Hệ thống tiêu chí xét chọn Thương hiệu quốc gia đã trải qua 9 năm nên khá bao trùm và toàn diện, không có nhiều bổ sung mới. Tuy nhiên, chúng ta có tiêu chí nhỏ mới, cách thức đánh giá mới: Như yếu tố xanh trong chuyển đổi của doanh nghiệp, có những tiêu chí chúng ta cảm nhận chưa có quan hệ mật thiết đến yếu tố xanh nhưng đóng vai trò then chốt như tiêu chí tính mới về công nghệ hay các liên quan đến quy định trích lập quỹ công nghệ của các doanh nghiệp.

Đây là một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp có khả năng áp dụng các công nghệ cao, công nghệ sạch vào trong sản xuất kinh doanh, hay những yêu cầu về tăng cường hiệu quả quản lý kiểm tra giám sát trong quá trình đổi mới các quy trình trong việc tìm kiếm áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường… Đồng thời, là sự thay đổi về chất vì năng lực đổi mới sáng tạo của DN rất quan trọng trong việc đáp ứng được các yêu cầu về các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường, còn làm thay đổi bản chất cách tiếp cận của người tiêu dùng…”- ông Hồng khẳng định.

“Chúng ta có nhiều sản phẩm tốt, nếu chúng ta đáp ứng được tiêu chí xanh thì hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”- ông Hồng nhấn mạnh.

Tài sản trí tuệ là một phần quan trọng định vị thương hiệu

Hiện, các nước cũng đưa ra định hướng cho người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sản xuất theo quy trình xanh. Do vậy, ngoài yêu cầu bắt buộc về mặt kỹ thuật, để được người tiêu dùng quốc tế lựa chọn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chí xanh này.

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới
Chuyển đổi xanh, sản xuất xanh là một trong những tiêu chí để đánh giá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa: Thu Hường

Ông Hoàng Minh Chiến khẳng định: Với công nghệ mới, thiết bị thế hệ mới thân thiện môi trường, hướng tới tiết kiệm tài nguyên, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị cạnh tranh. Bởi vậy, trong nhiều năm qua Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng định hướng và nêu rõ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đáp ứng sản xuất xanh, giúp gia tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm, qua đó bảo vệ môi trường.

Còn theo ông Trần Lê Hồng: Những tiêu chí liên quan đến tài sản trí tuệ trong thương hiệu quốc gia, đánh giá chung không chỉ nhìn nhận vào nhãn hiệu đăng ký để chúng ta phát triển thương hiệu mà còn phải nhìn nhận sâu hơn ở những tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm như sáng chế, bí quyết kỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp… Đây là những nội dung trong quá trình chúng tôi thống nhất về tiêu chí, về đánh giá.

Ông Hồng cho rằng, chúng ta cần thiết để có biện pháp mạnh để chuyển đổi xanh để có được các thương hiệu thì tài sản trí tuệ vô cùng quan trọng. Nó sẽ tạo sự đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời nâng cao vị thế của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Điều này hết sức cần thiết trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố và nêu quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Do vậy, sự hưởng ứng và những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng trong việc lấy sản xuất-đầu tư-kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia Việt Nam trong kỷ nguyên xanh.

Tin khác

Phiên bản di động